Pháp từng định biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính Đông Dương

0 260

Do vị trí địa lý, điều kiện vô cùng lý tưởng của Đà Lạt, ít ai biết rằng Pháp từng định biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính Đông Dương

Cuối thế kỷ 19 bác sĩ Alexandre Yersin người Pháp đã khám phá ra cao nguyên Langbian hay còn gọi cao nguyên Lâm Viên rộng lớn vào năm 1893. Đến năm 1897, bác sĩ Yersin đã gợi ý cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chọn cao nguyên Lâm Viên làm vùng đất lí tưởng cho việc nghỉ dưỡng của người Pháp ở miền Trung. Kể từ đó, thành phố Đà Lạt bắt đầu được xây dựng theo phong cách kiến trúc của châu Âu, vẫn luôn được ưu ái gọi với cái tên “tiểu Paris” – nổi tiếng về du lịch và nghỉ dưỡng.

Sau khi bác sỹ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên, một số công trình đã được xây dựng. Song vì lý do khủng hoảng tài chính và nhiều khó khăn khác nên khu vực này đã bị “quên lãng” trong nhiều năm. Đến năm 1921, Chính quyền Pháp mới khởi động lại kế hoạch xây dựng đường sắt lên cao nguyên Lâm Viên. Tuyến đường sắt răng cưa này hoàn thành vào năm 1931, đánh dấu bước khởi đầu cho phát triển du lịch tại đây. Năm 1923, bản đồ quy hoạch Đà Lạt của kiến trức sư Hébra được phê duyệt.  Sau đó, rất nhiều công trình xây dựng được thực hiện tại thành phố xinh đẹp, thơ mộng này… Đà Lạt trở thành nơi nghỉ mát lớn nhất Đông Dương thu hút nhiều du khách.

Vào những năm 30 của thế kỷ 19, báo chí đã đề cập rất nhiều về vấn đề đặt thủ đô của Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó, trụ sở của Phủ Toàn quyền Đông Dương đặt tại Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế, Toàn quyền Đông Dương vẫn thường làm việc tại cả 3 thành phổ (Sài Gòn, Hà Nội và Đà Lạt).

Trong bài viết “Đà Lạt, thủ đô hành chính của Đông Dương?”(*), tác giả Pineau đã phân tích rất chi tiết về những điều kiện để lựa chọn thủ đô của các quốc gia như: Các nhân tố về lịch sử, địa lý, chính trị; xu hướng phát triển theo chế độ tập trung, xu hướng phát triển ra biển… Theo đó, Đà Lạt cũng cần đáp ứng được các điều kiện chung mới có thể trở thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương.

Ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp cổ nằm lẫn trong giàn hoa giấy tuyệt đẹp đã không còn thấy - Ngày nay, chổ này trở thành khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt
Ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp cổ nằm lẫn trong giàn hoa giấy tuyệt đẹp đã không còn thấy – Ngày nay, chổ này trở thành khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt

Tác giả đề cập đến quá trình lịch sử hình thành Đà Lạt từ năm 1893 đến 1932. Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã có nhiều thay đổi. Thành phố Đà Lạt đã được quy hoạch. Giao thông đường bộ và đường sắt được cải thiện rõ rệt. Trong bản đồ quy hoạch và mở rộng Đà Lạt năm 1932 đã có kế hoạch biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính của Đông Dương. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1932, để từ bỏ ý định trên, một chương trình quy hoạch mở rộng giới hạn ở việc chỉnh trang khu nghỉ mát trên núi đã được thực hiện.

Ý tưởng lập thủ đô tại Đà Lạt không hề bị người Pháp lãng quên. Vấn đề này vẫn luôn được người Pháp nghiên cứu, cân nhắc. Trong bài viết của Pineau, tác giả đề cập đến các điều kiện để lựa chọn thủ đô như chế độ tập trung, an ninh, đường ra biển, điều kiện vệ sinh, vị trí địa lý.

“Về vị trí, Đà Lạt nằm giữa Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ, gần Cao Miên (Cambodge) và Bắc Lào và chỉ cách biển 150 km theo đường chim bay. Từ Sài Gòn lên Đà Lạt chỉ mất 5 giờ đi ô tô… Giao thông từ Đà Lạt lên cao nguyên Lâm Viên, sang Campuchia, Lào, xuống sông Mê Kông đều thuận lợi. Chỉ duy có Bắc Kỳ là nằm xa Đà Lạt. Việc lựa chọn Đà Lạt đáp ứng được các điều kiện về xu hướng hiện đại theo chế độ  tập trung và liên bang…”

Từ Đà Lạt, người ta có thể đi xuống Sài Gòn để đi ra sân bay, hoặc có thể đi ra Cam Ranh để ra biển, nơi đây có thể phát triển thành một cảng biển lớn dành cho cả dân sự lẫn quân sự và là một nơi nghỉ mát thật tuyệt vời.

Vấn đề an ninh ở đây không còn đặt ra từ đâu thế kỷ (thế kỷ 19)…. Đà Lạt an toàn hơn Hà Nội. Một thủ đô không chỉ là trung tâm chi phối tư tưởng và hoạt động chính trị mà còn  là một kho sức mạnh vất chất và tinh thần. Ngoài yếu tố tự nhiên, khi lập thành phố, nhân tố con người vẫn mang tính quyết định… Điều quan trọng nhất là nguyện vọng và sự bền bỉ của con người. Đà Lạt, cũng như các thành phố khác, phụ thuộc chủ yếu vào nguyện vọng của con người”.

Toàn quyền Jean Decoux ngay sau khi mới nhậm chức (1940) đã bắt tay thực hiện ý tưởng của các vị tiền nhiệm đó là biến Đà Lạt trở thành thủ đô hành chính Đông Dương. Ông đã giao cho kiến trúc sư Lagisquet – trưởng phòng kiến trúc và quy hoạch đô thị – thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt. Sau 20 năm kể từ đồ án quy hoạch lần đầu được thông qua, thành phố Đà Lạt được quy hoạch và chỉnh trang theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 26/4/1943. Theo bản đồ quy hoạch, khu trung tâm Đà Lạt được chia thành 15 khu: Dinh Toàn quyền Đông Dương, Văn phòng, sòng bạc, khách sạn, trung tâm văn hóa và thư viện, ngân hàng, trung tâm thương mại châu Âu, nhà thờ, Sở cảnh sát, trung tâm hành chính địa phương, chợ, trung tâm thương mại bản ngữ, khách sạn thành phố, đạo (trụ sở của cơ quan quản lý bản xứ), rạp chiếu bóng.

Người Pháp đã từng có ý định biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính của Đông Dương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, họ không thực hiện được. Và tứ lúc được phát hiện, Đà Lạt không ngừng phát triển thành một thành phố tuyệt đẹp của trong nước lẫn cả vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ sau năm 1975 trở về sau, do vấn để quản lý lẫn quy hoạch, Đà Lạt ngày càng trở nên bị đô thị hóa, không còn những cảnh thơ mộng như ngày xưa. Nhìn Đà Lạt đổi thay chóng mặt, hai bên đường nhà cửa mọc lên san sát khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, hoài niệm khi “Không còn cảm giác đang đến thành phố ngàn hoa như trước đây, không còn sự thi vị, tinh khôi mỗi sáng sớm, cũng chẳng còn chút heo hút mù sương se lạnh mỗi lúc xế chiều và cảnh vật không còn sự dịu dàng, e ấp mang nỗi lãng mạn sầu lắng”

Leave A Reply

Your email address will not be published.