Cố vấn Mỹ trong chiến tranh Việt Nam – Us Advisors in Vietnam war

0 160

Tôi tìm được tài liệu về cố vấn Mỹ trong chiến tranh Việt Nam – Us Advisors in Vietnam war được lưu trữ tại trung tâm Lịch Sử Quân Đội Mỹ do chuẩn tướng James L. Collin Jr. chủ biên . Xin lược dịch cùng các bạn đọc

PHẦN I : GIỚI THIỆU

Quân đội Mỹ đã hỗ trợ vũ khí cũng như lực lượng cố vấn Mỹ nhằm mục đích huấn luyện quân đội quốc gia Việt Nam từ những năm 1955. Dù vậy, quân đội Mỹ đã can thiệp vào Đông Dương từ 5 năm trước đó bằng cách viện trợ cho quân đội Viễn Chinh Pháp và cũng là đồng minh của Mỹ ở chiến trường Đông Dương để chống lại lực lượng Việt Minh. 

Cuối năm 1950, Mỹ thành lập nhóm Cố Vấn Hỗ Trợ Quân Sự Mỹ – US Military Assistance Advisory Group Indochina (MAAG) tại Đông Dương dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Francis G. Brink . Lúc này, chính quyền Việt Nam mới được thành lập 1 năm trước đó do sự thoả thuận giữa Quốc Trưởng Bảo Đại và người Pháp nhằm thành lập chế độ có khả năng chống lại Việt Minh. Chính Phủ Mỹ nhanh chóng công nhận Bảo Đại và cùng người Pháp ký thoả thuận với các quốc gia Đông Dương là Việt Nam, Lào và Campuchia vào tháng 12 năm 1950. Thoả thuận này được gọi là “Pentalateral Agreements” và được xem là tiền đề để Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự vào Việt Nam và khu vực Đông Dương

Việt Nam lúc này là một quốc gia liên kết được công nhận quyền tự trị ở một mức độ cho phép và nằm trong Liên Hiệp Pháp . Tuy nhiên, Việt Nam không được công nhận hoàn toàn độc lập. Trước đây, Việt Nam không được phép thành lập quân đội nhưng lúc này, Pháp đồng ý để Việt Nam thành lập quân đội nhằm cùng Pháp chống lại Việt Minh. Khởi đầu, quân đội Việt Nam chỉ là các đơn vị phụ trợ, được đào tạo và huấn luyện bởi các sĩ quan Pháp. Đến năm 1953, quân đội Việt Nam dần được nâng lên cấp tiểu đoàn và các chỉ huy đều là người Việt Nam

Những năm 1952, quân đội Việt nam đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu và sau đó dần hình thành 4 Vùng Chiến Thuật. Tuy nhiên phần lớn vẫn do sĩ quan Pháp chỉ huy. Thời gian này, sự can thiệp của người Mỹ chỉ giới hạn ở việc kiểm tra xem các thiết bị viện trợ đã được bàn giao đúng cho quân đội Pháp và những sĩ quan người Việt Nam chỉ biết đến viện trợ của người Mỹ khi các sĩ quan cố vấn quân sự Mỹ đến làm việc với họ vào năm 1953

Năm 1954, hiệp định Geneva 1954 được ký kết dẫn đến sự thành lập chính quyền miền Nam Việt Nam nằm dưới vĩ tuyến 17. Đây là kết quả của sự thoả thuận giữa tướng J. Lawton Collins là đặc phái viên của tổng thống Mỹ Eisenhower và tướng Paul Ely – tổng tư lệnh tối cao quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Với thoả thuận này, Mỹ sẽ thực sự hỗ trợ vũ khí và các cố vấn quân sự cho quân đội Nam Việt Nam. Chính quyền miền Nam Việt Nam sẽ bắt đầu nhận viện trợ, huấn luyện và tổ chức cơ cấu từ cơ quan MAAG từ ngày 1 tháng 1 năm 1955 và sẽ được toàn quyền tự quản sau đó 6 tháng. Lúc này Bộ Tổng Tham Mưu đều toàn là người Việt và dưới quyền của tướng Lê Văn Tỵ. Sau khi cải biên các đơn vị từ Vùng 3 ở phía Bắc Việt Nam, quân đội Việt Nam bao gồm 215.997 người bao gồm 179.197 người là binh sĩ thường trực và được biên chế thành 168 tiểu đoàn. Lần đầu tiền, các tiểu đoàn này tập hợp thành 03 sư đoàn bộ binh. Đó là các sư đoàn : sử đoàn 11, sư đoàn 21 và sư đoàn 31

Về mặt tổng thể, các cố vấn Mỹ sẽ hợp tác với người Pháp để huấn luyện binh sĩ Việt Nam. Từ tháng 4 năm 1954, trung tướng John W. O’Daniel đã thay thế thiếu tướng Thomas J. H. Trapnell làm tổng chỉ huy cơ quan MAAG. Trung tướng O’Daniel đã ban hành Nhiệm Vụ Huấn Luyện và Chỉ Dẫn – Training and Instruction Mission (TRIM) vào ngày 1 tháng 2 năm 1955. Các sĩ quan thuộc TRIM phần lớn là người Mỹ và một số người Pháp, được tăng cường từ tháng 4 năm 1955 cho các đơn vị quân đội Việt Nam ở các đơn vị sư đoàn bộ binh, lữ đoàn nhảy dù và các trung tâm huấn luyện. Khoảng 1 tháng sau, các sĩ quan cố vấn Mỹ bắt đầu được tăng cường đến Bộ Chỉ Huy các khu vực quân sự

Ngày 10 tháng 4 năm 1955, Bộ Tổng Tham Mưu ban hành một Bản Ghi Nhớ số 1891/TTM/MG do tướng Lê Văn Tỵ ký và ghi rõ nhiệm vụ của các cố vấn Mỹ :

“Các cố vấn Mỹ sẽ hỗ trợ và huấn luyện về các khía cạnh kỹ thuật. Tất cả nhằm xây dựng quân đội Việt Nam trên cơ sở mới một cách nhanh chóng và hiệu quả” .

“Khía cạnh kỹ thuật” đó là huấn luyện sử dụng các trang thiết bị, vũ khí, …  còn “Cơ Sở Mới” là những kỹ thuật tác chiến, học thuyết về quân sự mới, ….  theo cách thức của của quân đội Mỹ

Sự kết hợp của cơ quan MAAG và Pháp kéo dài hơn 1 năm cho đến khi Bộ Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội Pháp ở Đông Dương giải tán vào ngày 28 tháng 4 năm 1956. Lúc này, Quân đội Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ tình hình và chính thức tiếp nhận các nhiệm vụ của người Pháp trên chiến trường Việt Nam sau khi người Pháp rút đi. Tuy nhiên, một số sĩ quan Pháp vẫn còn ở lại để huấn luyện và tổ chức quân đội Việt Nam trong binh chủng Không Quân và Hải Quân. Việc huấn luyện của Pháp kéo dài đến tháng 5 năm 1957 thì kết thúc. Sau đó những sĩ quan Pháp này cũng về nước

Lúc này công tác huấn luyện của cơ quan MAAG gặp nhiều khó khăn do điều khoản của hiệp định Geneva chỉ chấp thuận cho cơ quan MAAG hoạt động trong 324 lĩnh vực. Từ các điều khoản này kéo theo những khó khăn mà quân đội Việt Nam gặp phải về huấn luyện và công tác hậu cần, tiếp liệu, …

Ngày 26 tháng 10 năm 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập quốc gia với tên gọi Việt Nam Cộng Hoà – Rebublic of Vietnam . Ông cũng đảm nhiệm chức tổng thống và cũng là chỉ huy tối cao của quân đội. Quân đội Việt Nam trở thành Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà – Rebublic of Vietnam Armed Force (RVNAF) . Cơ quan MAAG Đông Dương cũng đổi thành cơ quan MAAG Việt Nam nhằm tách biệt 3 nước Lào, Việt Nam, Campuchia

Sau khi Pháp rút đi, quân đội VNCH gặp nhiều khó khăn do không được tổ chức và huấn luyện về công tác hậu cần. Hệ thống hậu cần gần như không còn gì. Quân đội VNCH cũng chẳng thể nắm rõ đang nắm bao nhiêu vũ khí, trang thiết bị, … trong tay. Sau khi thay thế trung tướng O’Daniel từ tháng 11 năm 1955, trung tướng Samuel T. Williams thành lập cơ quan chuyên trách Khôi Phục Thiết Bị Tạm Thời – Temporary Equipment Recovery Mission (TERM) vào tháng 6 năm 1956 để kiểm tra và thiết lập lại hệ thống hậu cần cho quân đội VNCH . Công việc này kéo dài đến năm 1960 và lúc này cơ quan MAAG ở Việt Nam có tổng cộng 692 người. 

 

Xem tiếp : Cố vấn Mỹ trong chiến tranh Việt NamUs Advisors in Vietnam war – P2

Leave A Reply

Your email address will not be published.