Bùi Thị Xuân và trận đánh cuối cùng ở cửa Nhật Lệ

0 317

Triều vua Quang Trung có vài nữ tướng, trong số đó nổi bật hơn cả là Đô đốc Bùi Thị Xuân vợ của danh tướng Trần Quang Diệu. Bùi Thị Xuân đã đánh cuối cùng ở cửa Nhật Lệ

Bùi Thị Xuân (;?- 1802) Quê ở làng Phú Xuân, xã Bình Phú huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.Chưa rõ tên cha mẹ, chỉ biết bà là cháu thái sư Bùi Đắc Tuyên.

Bà là người phụ nữ xinh đẹp, nhờ sớm học võ với đô thống Ngô Mạnh nên bà rất giỏi võ nghệ, nhất là môn song kiếm. Chuyện kể rằng, trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa Trần Quang Diệu đã đánh nhau với một con hổ lớn, hung dữ. Nhân đi qua đấy, bà Xuân đã rút kiếm xông vào cứu trợ. Quang Diệu bị hổ vồ trọng thương nên phải theo bà về nhà chữa trị.

Sau hai người thành gia thất rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.Nhờ vào tài nghệ về chiến thuật, binh bị cộng với lòng dũng cảm; vợ chồng bà nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ dậu 1789 và so tranh quyết liệt với quân Nguyễn Ánh hơn 10 năm …

Người ta còn kể, khi đến với Nguyễn Huệ, người con gái trẻ đẹp làng Xuân Hòa này không chỉ tòng quân một mình mà còn dẫn theo một đội nữ binh do mình đào tạo và một đoàn voi rừng đã được bà rèn luyện thuần thục.Trước khi gia nhập quân Tây Sơn, bà đã tự phong là “Tây Sơn nữ tướng”. Sau này bà được hội kiến với Nguyễn Huệ, Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó; và vương còn ban tặng thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng”.

Giữa lúc Tây Sơn đang rất thành công với các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao và phát triển kinh tế thì đột ngột vào ngày 29/7/1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, để lại nhiều thương tiếc.

Cũng từ đây triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh ( Quang Toản) còn nhỏ, bất tài nên đã không giữ được việc triều chính, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu số đó là cậu họ Thái sư Bùi Đắc Tuyên, làm cho các đại thần kết bè phái, quay sang giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi, khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc….Và đây thật sự là một cơ hội vàng cho đối phương.

Vì vậy, tức thì Nguyễn Ánh xua quân chiếm lại Quy Nhơn vào năm 1799. Bùi Thị Xuân cùng chồng một mặt tham gia củng cố triều chính, một mặt chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân Nguyễn.

theo Sử sách, bà Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ, từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi.Lúc bấy giờ Nguyễn vương cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân.Nào ngờ vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh.Ngay lúc đó bà cũng nhận được tin Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh của Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình) cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng .

Trước tình thế đang thắng thành bại này đội quân của bà bỏ cả vũ khí, đạn dược để chạy …

Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của nữ tướng Bùi Thị Xuân để hòng cứu vãn tình thế. Tuy nhiên trước sức tấn công mạnh mẽ của Nguyễn vương, các thành luỹ của Tây Sơn nhanh chóng bị mất. Bà Xuân cùng chồng con bị quân Nguyễn bắt được ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An .

Khi nghe bà bị bắt, Nguyễn Ánh sai người đem đến trước mặt hỏi giọng đắc chí: Ta và Nguyễn Huệ ai hơn? Bà trả lời: Chúa công ta; tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với Chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng. Ánh gằn giọng: Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh? Bà đáp: Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà…

Ngày 6 tháng 11 năm Nhâm tuất (20-11-1802), vua tôi nhà Tây Sơn trong đó có Bùi Thị Xuân cùng chồng con bị đưa ra pháp trường tại Phú Xuân.Chồng bà bị xử tội lột da, còn bà cùng con gái độc nhất 15 tuổi tên Trần Bích Xuân bị xử voi dày (bãi chém An Hoà, ngoại ô Huế,ở đó khoảng 200 tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đã hiên ngang ra pháp trường )

Theo tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De La Bissachère viết năm 1807- người có dịp chứng kiến – đã miêu tả buổi hành hình được tóm lược như sau:

“Đứa con gái trẻ của bà ( Bùi Thị Xuân) bị lột hết y phục. Một thớt voi từ từ tiến đến .Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy.Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách : Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta !…

Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo,đâm cây nhọn sau đít con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời…Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo”… (Theo Thiên Nam nhân vật chí, bà bị xử lăng trì, thi hài bị thiêu rụi…)

Leave A Reply

Your email address will not be published.