Vũ khí công thành khi xưa

0 470

Vài thứ vũ khí công thành của người Việt như vân thê, máy bắn đá, Lã Công Xa, phi kiều, Ô Quy Ba, .. đều có nguồn gốc từ Trung Quốc 

■ Vân thê:

Vân thê (雲梯) nghĩa đen là thang mây, là một loại thang dài dùng để leo tường thành. Nó thường gồm hai cái thang riêng nối với nhau bằng trục để có thể gấp đôi lại, gắn lên một cỗ xe với vai trò khung đỡ. Sách Vũ bị chí thời Minh miêu tả cách chế tạo rằng: “Dùng gỗ lớn làm sàng, bên dưới gắn 6 bánh xe, bên trên dựng 2 cái thang mỗi cái dài hơn 2 trượng, ở giữa [2 thang] đặt trục bánh xe, bốn mặt dùng da sống làm màn che, bên trong dùng người đẩy.” [1]

Tương tự, Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ cũng viết về một loại thang hai tầng như là một vũ khí công thành của người Việt, nhưng không đề cập đến khung đỡ và bánh xe: “Làm hai tầng thang, tầng thứ nhất dài 30 thước, ngang 4 thước; tầng thứ hai cũng dài 30 thước, ngang 4 thước 5 tấc. Trước hết đặt tầng thứ hai vào trong tầng thứ nhất, đàu thang dùng gỗ rắn làm then ngang nối hai thang làm một, ở đầu tầng thứ hai đóng móc sắt. Khi muốn lên thành thì đem hai thang ghép làm một bắc lên, trèo lên tầng thứ nhất, đến đầu thang thì đem tầng thứ hai vắt lên trên thành sao cho móc sắt móc vào tường thành, quân lính bám vào mà lên.” [2]

Trong lịch sử nước ta, vân thê được quân Đại Việt sử dụng tại trận thành Ung châu năm 1075-1076. Sử Tống viết lại rằng: “Giặc biết quân Bắc giỏi công thành, ham lợi lớn nên sai làm vân thê, nhưng khi xong bị [Tô] Giam đốt mất.” [3] Ghi chép chỉ có thế nên không rõ hình dạng vân thê của quân Lý ra sao. Nhưng với công năng đơn giản mà hiệu quả của thứ khí cụ này, có lẽ còn những trường hợp khác nó được người Việt sử dụng mà sử sách không chép lại.

■ Ống công hào:

Công hào đồng (攻濠洞) , dịch ra là “ống đánh hào nước”, là một trong những thứ vũ khí công thành được quân Lý sử dụng ở trận Ung châu. Sử Tống viết: “[Giặc] lại làm ống công hào, trùm bằng da sống. [Tô] Giàm đợi chúng qua xong thì tung lửa đốt trong ống.” [3] Dựa vào miêu tả có thể đoán đây là kiểu cầu tạm bắc qua hào nước của đối phương, bên trên có mái che làm bằng da để bảo vệ quân sĩ.

■ Phi kiều:

Phi kiều (雲梯) nghĩa đen là “cầu bay” ,cũng là một loại khí cụ để vượt qua hào nước. Sách Lục thao viết: “Để vượt ngòi lạch thì dùng một gian phi kiều, rộng 1 trượng 5 thước, dài 2 trượng trở lên, treo 8 bánh ròng rọc, dùng khoen xỏ dây giăng ra.” [4] Vì miêu tả mơ hồ như thế nên không rõ hình dạng và cách hoạt động của thứ này ra sao, và liệu nó giống với “công hào đồng” nói ở trên hay không. Chỉ biết rằng phi kiều từng được quân Đại Việt sử dụng trong trận công thành Chà Bàn năm 1471:

“Các dinh đã làm xong phi kiều […], bèn dụ khắp tướng sĩ phải gấp bắc thang lên thành. Được một lát, vua thấy ở đằng xa quân lính dinh Tiền Khu đã trèo lên tường con, liền bắn ba phát pháo để hưởng ứng, lại mệnh nội thần đem quân Thần Vũ phá cửa đông để vào. [5]

■ Xe và tháp công thành:

Xe công thành trong lịch sử Việt Nam được ghi nhận tại trận vây thành Xương Giang của quân Lam Sơn năm 1427. Minh thực lục viết rằng:

Giặc thấy Xương Giang là đất yết hầu để quan quân ra vào, nên tập hợp nhiều binh, voi, dùng ô quy ba, Lã công xa, vân thê đến đánh.[6]

Ô quy ba (烏龜笆) dịch sát nghĩa đen là “tấm phên tre hình con rùa màu đen”. Dựa vào tên gọi thì nó hẳn là phương tiện che chắn cho binh lính khi áp sát tường thành, có thể gắn bánh xe và đi kèm thanh gỗ đục cổng. Lã công xa (呂公車) (“xe của ông Lã”) thì rõ nghĩa hơn vì đã được người Trung Hoa sử dụng từ xưa để chỉ tháp công thành (tương truyền do Lã Thượng, tức Khương Tử Nha sáng tạo ra). Sử Minh quy công chế tạo những thứ khí cụ kiểu này cho Thái Phúc, một viên tướng Minh đã đầu hàng quân Lam Sơn. [6]

■ Máy bắn đá:

Pháo (砲/礮) nghĩa gốc trong tiếng Hán là máy bắn đá. Khang Hy từ điển định nghĩa chữ 礮 rằng: “Tục viết là pháo (砲), là máy ném đá” [7]. Về sau khi hỏa khí thay thế vai trò của máy bắn đá trong công-thủ thành thì cái tên “pháo” được chuyển sang áp dụng cho hỏa khí cỡ lớn (“cannon”), nhưng viết là 炮 với bộ Thạch (石) đổi thành bộ Hỏa (火).

Ghi nhận về máy bắn đá của người Việt khá mơ hồ, nhưng có hai trường hợp nhiều khả năng là đề cập về thứ vũ khí này. Một là ghi chép của Nguyên sử trong cuộc xâm lược nước ta năm 1285:

“[Trần] Nhật Huyên bày binh thuyền ven sông, dựng hàng rào gỗ, thấy quan quân đến sát bờ liền phát pháo, hô lớn khiêu chiến.” [8]

Chữ “pháo” 砲 này được viết bằng bộ Thạch, và xét việc kĩ thuật hỏa khí Đông Á nói chung vào cuối thế kỉ 13 còn khá sơ khai thì “pháo” ở đây có lẽ là máy bắn đá thì đúng hơn là hỏa khí.
Ghi nhận thứ hai đến từ sử sách nước ta. Đại Việt sử ký toàn thư đầu năm 1427 viết về một thứ vũ khí của nghĩa quân Lam Sơn gọi là “Cổn Dương pháo”:

“Chế tạo pháo Cổn Dương, lệnh các tướng chiếu theo kiểu mà làm.” [9]

Bản dịch cũ viết thành “súng Cổn Dương”, hàm ý chỉ hỏa khí. Tuy nhiên chữ Cổn (衮) vốn nghĩa là một loại y phục của vua chúa, chẳng ăn nhập gì để mà đặt tên cho vũ khí. Vì vậy nhiều khả năng sử đã chép nhầm chữ Tương (襄) thành Cổn (衮), và tên đúng của nó phải là “Tương Dương pháo” (Đại Việt thông sử sau này cũng sửa lại là “Tương Dương”). Tương Dương pháo hay Hồi Hồi pháo là tên gọi người Trung Quốc dành cho máy bắn đá đối trọng, vốn được nhà Nguyên sử dụng trong cuộc trong cuộc vây hãm thành Tương Dương. Với việc hỏa khí lớn ở Đông Á đương thời còn sơ khai, thì việc quân Lam Sơn chế tạo máy bắn đá nhằm vây đánh các thành của quân Minh cũng là điều dễ hiểu.

Leave A Reply

Your email address will not be published.