Ăn đụng lợn của người Mường

0 45

Giá lợn cao hay thấp, người Mường trên quê luôn tổ chức “ăn đụng lợn” đặc biệt là trong những ngày giáp Tết. Trong Nam, khái niệm “ăn đụng thịt lợn” có lẽ hơi xa lạ.

Tùy con lợn to nhỏ mà từ 4 đến 10 nhà làm thịt chung để chia nhau. Tính toán giá mua lợn rồi nhân lên tổng tiền, bổ đầu chia đều cho các nhà ăn đụng. Người Mường họ chia nhau mọi thứ: Từ lòng dồi cho đến xương. Ăn kiểu này tuy không có thịt tươi hàng ngày, nhưng đảm bảo thịt ngon, rẻ hơn mua chợ và đặc biệt là không lo lợn bệnh, lợn chết hay tiêm thuốc, bơm nước.

Khi ăn đụng, nhà có lợn bán thường ăn đụng chung, làm thịt tại nhà bán lợn. Nhà chủ phải lo nấu cơm, nấu cháo, phải lo rượu cho mấy ông ăn đụng làm thịt xong ăn uống. Những thứ khó chia nhau như: Tim, thận, lưỡi, thăn chuột, tai mũi, họng, nguyên cái đầu… sẽ được luộc hoặc tách ra ướp nướng. Chia nhau thịt xong mang về, tắm rửa xong là mấy ông quay lại nhà chủ để ăn và trả tiền cho gia chủ.

Thịt lợn ăn đụng, 100% người Mường làm lông trước bằng nước sôi, xong sẽ dùng rơm để thui vàng da. Con lợn nhà nuôi thường thịt rất ngon, cộng với cách thui rơm nữa, các miếng thịt ăn bữa đó là ngon nhất. Thịt nướng hoặc thịt luộc, không chấm nước mắm mà chấm muối hạt to, hoặc muối hột giã với hạt dổi. Thịt lợn được làm và ăn kiểu đó là ngon nhất trong tất cả các cách.

Nếu khoái món tiết canh, mấy ông sẽ băm chút cuống họng, sườn sụn, thịt bóc để làm. Người Mường đánh tiết canh thường đi kèm rau thơm hái quanh nhà và không thể thiếu hạt dổi nướng than rồi giã nhỏ rắc lên trên. (Tôi đã bỏ tiết canh hơn 5 năm, giờ quên mất mùi vị của món này rồi).

Nếu chăm chỉ, lấy miếng gan lớn rồi cắt thành các miếng như bàn tay, khứa các vết sâu để uớp với chút muối hạt, chút rượu trắng và toàn bộ quả mật của con lợn. Món gan ướp mật nướng này cũng ngon và bắt rượu ghê lắm. Lai rai mất chai rượu nút lá chuối rồi ăn mấy thứ “không chia” đó là một trong những nét đặc trưng nhất của cách ăn đụng thịt lợn của người Mường.

Ngày Tết, hầu hết người Mường không mua thịt ngoài chợ hay hàng quán mà sẽ tìm lợn để ăn đụng. Hầu như 99% người Mường không mua thịt lợn ngày tết. Từ 28 đến sáng 30 tết, cả làng cả xã đi đâu cũng thấy người ta làm thịt lợn ăn đụng.

Có mấy thứ không thể dùng thịt lợn thui rơm để làm đó là: Làm nhân bánh chưng; thịt nấu đông; thịt làm giò thủ, giò lụa. Thịt thui rơm nấu đông sẽ không đông và không ngon, làm nhân bánh hoặc làm giò thủ sẽ có mùi khói và đông không như ý.

Ngày tết, người Mường vui nhất, ăn ngon nhất thường là bữa ăn đụng. Chứ từ chiều tối 30 đổ đi, ăn sẽ không thấy ngon nữa mà sẽ thấy… mệt bởi cúng bái, cỗ bàn, khách khứa. Bữa ăn đụng, con cháu sẽ tề tựu đầy đủ, làm gà đồ xôi, có chả giò gì đem ra hết cho con cháu, những nguời ăn đụng cùng tụ tập ăn uống vui vẻ. Say cứ gọi là líu lưỡi những ngày đó!

Leave A Reply

Your email address will not be published.