Bỏ xét lý lịch tuyển sinh Đại Học năm 1987

0 499

Từ năm 1981, 1982, Nguyễn Mạnh Huy đậu đại học với số điểm rất cao, nhưng cả hai lần em đều không được đi học chỉ vì lý lịch xấu – cha là sĩ quan chế độ cũ chết trận. Năm 1987, em lại đậu tiếp Đại Học Bách Khoa TP.HCM và tiếp tục bị từ chối nhập học. Sự kiện của em đã dẫn đến bước đột phá mới : Bỏ xét lý lịch tuyển sinh Đại Học

Có 2 sự kiện liên quan đến ĐH Bách khoa TP.HCM dẫn đến cải cách lớn bậc ĐH: ông Trần Hồng Quân, cựu hiệu trưởng, được bổ nhiệm là bộ trưởng bộ GD và thư của thí sinh Nguyễn Mạnh Huy gửi đến báo Thanh Niên sau 4 lần bị đánh rớt vì lý lịch. Từ đỏ chủ nghĩa lý lịch hẹp hòi bị bãi bỏ khi tuyển sinh ĐH.

“TỘI THẰNG NHỎ”

Mùa tuyển sinh năm 1987, Nguyễn Mạnh Huy là một học sinh ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (cũ). Liên tiếp hai năm 1981, 1982 Nguyễn Mạnh Huy đậu đại học với số điểm rất cao, nhưng cả hai lần em đều không được đi học chỉ vì lý lịch xấu – cha là sĩ quan chế độ cũ chết trận. Huy đành đi làm thợ mộc ở một hợp tác xã. Bốn năm trời lao động nghiêm túc, Huy trở thành một thợ cả bậc cao, nhưng niềm say mê được vào đại học vẫn cháy bỏng trong lòng em. Huy âm thầm ôn lại bài vở, thi vào trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Lại một lần nữa, Huy thi đậu dư điểm so với điểm chuẩn (Huy được 22 điểm trong khi chỉ cần 20 là đỗ vào đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh). Và cũng một lần nữa em nhận được câu trả lời: Không được đi học vì lý lịch có vấn đề.

Nguyễn Mạnh Huy viết thư gửi báo Thanh Niên: “Đây là lần thi cuối cùng của tôi. Tôi tuyệt vọng!” Bức thư đến tay người phụ trách toà soạn lúc bấy giờ là nhà báo Nguyễn Công Thắng, ông Thắng đã trực tiếp xử lý và được người có quyền quyết định về nội dung lúc ấy là Phó Tổng Biên Tập Nguyễn Công Khế đồng ý đưa lên mục Diễn Đàn.

Nhà báo Nguyễn Công Thắng: “Thuở đó, khi tôi chưa về công tác thì báo Thanh Niên cũng đã theo đuổi vụ Dương Thị Hà My ở tỉnh Thuận Hải (cũ), một nữ sinh bị trở ngại việc học hành cũng vì lý do tương tự như Huy. Tôi thuyết minh ngắn gọn vụ Nguyễn Mạnh Huy và nhắc đến Hà My. Anh Khế đọc bài và ký duyệt ngay. Anh dặn đi dặn lại tôi đưa lên đầu trang và cho đăng ngay vào số tới để can thiệp cho Huy kịp năm học.”

Thế là Thanh Niên số 84 ra ngày 21 – 27/9/1987 khởi đăng vụ Nguyễn Mạnh Huy.

Số báo vừa ra, lập tức nhận được hàng chục bức thư của bạn đọc từ khắp nơi gửi về, đồng tình ủng hộ báo Thanh Niên. Đa số thư đều lên án chủ nghĩa xét lý lịch hẹp hòi. Một thanh niên gia đình có truyền thống cách mạng đã viết: “Hoài bão của Huy không khác gì hoài bảo của mình. Có khác chăng đó là Huy trót sinh ra với một lý lịch xấu hơn mình. Mình không nghĩ rằng sự xem xét lý lịch tuyển sinh là không cần thiết, nhưng cái chính là phải xét đến nỗ lực của bản thân. Bởi vì ở đời có ai chọn cửa để sinh ra đâu!”… Các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ cũng cùng lên tiếng.

Nhưng, trong khi lương tâm của nhiều người cắn rứt vì sự nghiệt ngã của một số phận thì “lập trường giai cấp” trong lòng nhiều quan chức vẫn như một thành trì. Ban Giáo dục Chuyên nghiệp tỉnh Nghĩa Bình đã gửi cho báo Thanh Niên một bức điện lạnh lùng: “Về việc tuyển sinh vào các trường đại học, trong tổng kết năm 1986, Giáo sư, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Mai Hữu Khuê đã nói: Công tác tuyển sinh khẳng định là phải mang tính chất giai cấp. Ở bất cứ chế độ xã hội nào đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, đội ngũ đó phải trung thành với chế độ và phục vụ một cách có hiệu quả cho chế độ đó”.

RA QUYẾT ĐỊNH

Cuối năm 1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 27 đến 30/11/1987. Đại hội có 7 Trung tâm hội thảo. Vụ Nguyễn Mạnh Huy đã được các đại biểu nêu ra ở cả 7 trung tâm để thảo luận. Các đại biểu trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN Trần Hồng Quân. Đại hội còn thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị về thay đổi chế độ tuyển sinh và đặc biệt là vấn đề xét lý lịch tuyển sinh Đại Học. Với tư cách đại biểu, anh Nguyễn Công Khế đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng: “Công văn của Bộ ĐH gửi cho Tỉnh đề nghị xem xét – chứ không phải chỉ thị giải quyết trường hợp Nguyễn Mạnh Huy, là chưa thể hiện được trách nhiệm và quyền hạn của một cơ quan cấp nhà nước trong lãnh vực này. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng trả lời cho chúng tôi về trường hợp cụ thể này…”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thành Đoàn TP.HCM phát biểu: “Rất nhất trí, phải công bằng trong đào tạo. Làm thế nào để người học sinh thấy rằng học tập ngày nay chính là tương lai ngày mai, của đất nước và của chính mình. Nên thực hiện chính sách giai cấp bằng cách tạo điều kiện để diện ưu tiên học tốt hơn, đủ sức vào đại học chứ không ưu tiên bằng cách hạ điểm chuẩn. Ký túc xá của con em liệt sĩ phải đàng hoàng hơn, sách vở đầy đủ hơn, giỏi hơn… Nhưng khi đi thi không bớt điểm một cách khó chấp nhận được như hiện nay”. Bộ Trưởng Trần Hồng Quân trả lời: “Văn bản của Bộ ĐH có ghi: lý lịch “rõ ràng” chứ không phải lý lịch “trong sạch”. Đúng là giải phóng đã hơn 12 năm mà vẫn phân thanh niên làm 13 loại đối tượng là không hợp lý”. Tại Đại Hội, Bộ trưởng Trần Hồng Quân tuyên bố trường hợp Nguyễn Mạnh Huy đã được Bộ và UBND tỉnh Nghĩa Bình xem xét và quyết định cho đi học.

Nhà báo Huy Đức: “Thành công của báo chí, đặc biệt là báo Thanh Niên trong vụ Nguyễn Mạnh Huy, đã buộc chính quyền phải sửa đổi chính sách phân loại “13 hạng thanh niên” trong tuyển sinh. “

BỐI CẢNH ĐƯƠNG THỜI

Từ năm 1987, nhiều lĩnh vực trước đây thuộc khu vực công bắt đầu do “các thành phần kinh tế” khác đảm trách: biên chế không còn nhu cầu, sinh viên ra trường không còn được phân công về các cơ quan nhà nước. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có 1.000 giáo viên, năm 1987 chỉ còn được giao chỉ tiêu tuyển sinh 100 sinh viên. Các trường khác cũng rơi vào tình huống tương tự, viễn cảnh ra trường không có việc làm làm cho sinh viên không muốn học, thầy cô không muốn dạy. Bộ trưởng Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (1987-1992), Giáo sư Trần Hồng Quân nói: “Tình hình cực kỳ nguy hiểm, nếu không thay đổi thì các trường đại học sẽ tan rã”.

Năm 1987, đang là Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hồng Quân được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Ông Quân là cháu gọi phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bà Ngô Thị Huệ, là dì ruột. (…)

CẢI CÁCH

Mùa hè năm 1987, Bộ Đại học quyết định triệu tập hiệu trưởng và bí thư Đảng uỷ các trường đại học trong cả nước về Nha Trang dự một hội nghị, về sau gọi là “Hội nghị Nha Trang”. Hội nghị đã thảo luận bốn tiền đề đào tạo: Đào tạo không chỉ cho các cơ quan nhà nước mà cho cả các thành phần kinh tế; Đào tạo theo dự báo yêu cầu tương lai; Đào tạo phục vụ nhu cầu của nhân dân về học, không kèm theo trách nhiệm phân công, sinh viên tự tìm việc làm và lập nghiệp tạo việc làm cho xã hội; Đào tạo đa dạng, có cả những loại hình phi chính quy, không chỉ bằng ngân sách mà còn thu học phí.

Bộ trưởng Trần Hồng Quân nhớ lại: “Phản ứng kinh khủng, vì đào tạo không theo kế hoạch, không phân công, không ngân sách là sai nguyên lý xã hội chủ nghĩa. Nhiều bí thư đảng uỷ đòi đối thoại với ông Đặng Quốc Bảo, trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ông Bảo nói: ‘Cứ đối thoại với Bộ trưởng, tôi đến đây để nghe’. Tôi nói: ‘Các đồng chí bác đề án này vậy có sáng kiến gì khác để nền đại học của chúng ta tránh được sụp đổ?’. Mọi người chỉ than mạo hiểm mà không đưa ra được phương án khác nào, cuối cùng phải chấp nhận”.

Theo ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Bí thư Trung ương Đảng Trần Xuân Bách hoàn toàn ủng hộ kế hoạch cải cách này. Cả hai ông sau đó đã tham gia Hội nghị Vũng Tàu và ủng hộ các trường ký trực tiếp với nước ngoài về hợp tác đào tạo thay vì qua Bộ. Cho dù có những phản ứng lúc đầu, nhưng sau Hội nghị Nha Trang, khi lên tàu trở về, các hiệu trưởng bắt đầu bàn với nhau các kế hoạch thực hiện.

Ý tưởng bầu hiệu trưởng và phân cấp cho các trường bắt đầu được đề cập đến ở Hội nghị Nha Trang. Về Hà Nội, trong một lần gặp riêng tư, ông Trần Hồng Quân nói: “Tôi hỏi ông Võ Văn Kiệt, khi ấy đang là phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng: ‘Chú thấy sao?’. Ông Kiệt hỏi lại: ‘Mày còn phân vân à?’. Rồi nói: ‘Nếu tao là bộ trưởng thì tao sẽ cho tiến hành’. Về, tôi cho áp dụng luôn ba hình thức: bổ nhiệm thẳng hiệu trưởng, thăm dò trước khi bổ nhiệm và bầu cử”.

Nguồn : Báo Thanh Niên: https://thanhnien. vn/…/tu-vu-nguyen-manh-huy-den-cai…

Leave A Reply

Your email address will not be published.