Thương hiệu nổi tiếng Sài Gòn và miền Nam trước 1975 : dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín

0 445

Trước năm 1975, ngành dược ở miền Nam có viện bào chế mang tên “Bác sĩ Tín” với các sản phẩm: thuốc ho, dầu khuynh diệp và thuốc nâng cao sinh lực VITOFORCE – Đại cường Việt là Thương hiệu nổi tiếng Sài Gòn và miền Nam Việt Nam trước 1975.

Loại dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín bào chế có công thức đặc biệt riêng của nó bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu… và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Tinh dầu tràm, bạc hà, hay hương nhu… thì nước ta có thể trồng và chưng cất được, nhưng tinh dầu khuynh diệp với tinh chất Eucalyptol (lấy từ cây hồng tràm, tên khoa học là Eucalyptus) nhập từ Bồ Đào Nha thì chưa có ở VN. Mùi dầu khuynh diệp, đôi lúc, cũng là một đặc điểm của mùi hương… sinh nở như trong một truyện ngắn khác nói về nỗi khổ vượt cạn của phụ nữ, hai cô gái nói với nhau: “Bộ mầy mới thăm con Tú nằm bảo sanh viện hả?”. “Sao mầy biết”. “Người mầy toàn mùi dầu khuynh diệp – dầu của đàn bà đẻ”. Gần như lúc ấy phụ nữ sinh nở thường xức dầu khuynh diệp cho mình và đứa trẻ sơ sinh nữa. Thời đó, gần như nhà nào cũng có dầu Nhị Thiên Ðường, dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín và hũ Cù Là Mac-Phsu

Bác sĩ Bùi Kiến Tín, chủ Viện Bào chế “Bác sĩ Tín”, nay đã mất. Nhưng người con của ông kể rằng: “Cha tôi là người có tinh thần dân tộc rất cao. Ông nghĩ để nghiên cứu sản xuất Tây dược, phải nhập khẩu nguyên liệu ở Pháp với giá cao, rất khó bán cho người nghèo, nên ông chọn con đường sản xuất đông dược…”. Sản xuất để phục vụ cho hơn 17 triệu dân miền Nam trước năm 1975, cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại từ phương Tây và Tàu, nhưng mỗi năm, riêng sản phẩm dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai dầu Bác Sĩ Tín và nhập khoảng 20% trên tổng sản lượng tinh dầu khuynh diệp của Bồ Đào Nha. Năm 1956, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cũng từng treo giải thưởng “mua dầu trúng xe Austin”. Lúc đó, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín đã là  Thương hiệu nổi tiếng Sài Gòn trước 1975 và là thương hiệu nổi tiếng miền Nam trước 1975

Có lẽ, nhận thấy nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sẽ đẩy giá thành chai dầu gió lên cao nên vào năm 1954, Bác Sĩ Tín đã cho trồng cây khuynh diệp tại Đồi Viễn rộng 30 mẫu nằm dọc theo xa lộ Biên Hòa, bên tay phải từ Suối Tiên về Biên Hòa (đối diện Nghĩa Trang Quân Ðội) (nay là Đài tưởng niệm các vua Hùng, Q.9, TP.HCM). Theo ông Năm Quang (người nhân viên lưu dụng tại Đồi Viễn sau năm 1975) và ông Hai Biền (người quản lý trang trại 181 và 183 trước năm 1975), ngoài Đồi Viễn, BS Bùi Kiến Tín còn có hai trang trại lớn khác cũng ươm trồng khuynh diệp và cũng nằm trên con đường Sài Gòn – Đà Lạt. Hai trang trại này nằm ở cây số 181 và cây số 183, thuộc xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Ông ước ao làm sao 20 triệu dân hiện tại có sức khỏe tốt để nâng dân số lên 50 triệu cho đúng với tầm cỡ lãnh thổ. Do đó Bác Sĩ Tín cho làm logo hình ảnh một anh lực sĩ nâng cả đất nước Việt Nam lên, bên dưới hình ảnh có ghi ba chữ “Ðại Cường Việt”. Logo này được in trên các nhãn hiệu sản phẩm dầu gió, dầu xoa bóp, dầu cù là.

Có thể thấy Bác Sĩ Tín ngoài là vị bác sĩ còn có đầu óc kinh tế. Con trai ông chính là tiến sĩ tài chính – chuyên gia kinh tế nổi tiếng Bùi Kiến Thành được đào tạo bài bản ở Mỹ. Em trai ông Thành là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Pháp, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc

Đến năm 1975, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín ngưng sản xuất, nhà nước quốc hữu hóa và đổi tên thành Xí nghiệp Dược phẩm số 26, nay là Công ty Dược phẩm OPC.

Xem lại : Thương hiệu nổi tiếng Sài Gòn và miền Nam trước 1975 : bột gạo lứt Bích Chi

Xem tiếp : Thương hiệu nổi tiếng Sài Gòn và miền Nam trước 1975 : xe hơi La Dalat

Leave A Reply

Your email address will not be published.