Chiêu Thánh Hoàng Hậu Lý Chiêu Hoàng – Cánh hoa trôi giữa hoàng triều

0 468

Chiêu Thánh Hoàng Hậu Lý Chiêu Hoàng là vua cuối cùng của triều đại nhà Lý trước khi nhường ngôi cho Trần Cảnh bắt đầu triều đại của nhà Trần

Lý Chiêu Hoàng tên húy là Lý Phật Kim, sau đổi lá Lý Thiên Hinh, sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218) tại hoàng cung ở kinh đô Thăng Long. Bà là con gái thứ 2 của Lý Huệ Tông, mẹ là Hoàng Hậu Trần Thị Dung (sau được phong là Thuận Trinh thái hậu). Lý Chiêu Hoàng lên ngôi tháng 10 năm Giáp Thân (1224), đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225) nhường ngôi cho chồng lá Trần Cảnh. Tháng 3 năm Mậu Dần (1278) bà về thăm quê hương Cổ Pháp và mất vào ngày 23 tháng 9 năm đó, ở ngôi hơn 1 năm, thọ 60 tuổi.

MỐI TÌNH TRẺ CON:

Sau khi Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái thứ 2 vào tháng 10 năm Giáp Thân (1224) rồi đi tu, khi ấy nữ hoàng mới được 7 tuổi nên việc triều chính do Thái Hậu Trần Thị Dung điều hành. Từ đấy họ Trần dần nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng trong triều. Trong lúc đó Trần Thủ Độ đang giữ chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ tính kế đoạt vương quyền về tay dòng họ mình, dưới sự đạo diễn của ông, một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi được đưa vào cung làm Chánh Thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Vì cùng lứa tuổi nên Chiêu Hoàng chỉ thích gần gũi trò chuyện, trêu đùa với Trần Cảnh. Mỗi khi chơi đêm đều cho gọi cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối liền chạy đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng.

Thấy vậy, Trần Thủ Độ bèn bàn gấp với em họ là Thái hậu Trần Thị Dung rồi tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Sau đó sai đóng cửa thành và các cửa cung, cử người coi giữ nghiêm ngặt. Tiếp đó Trần Thủ Độ loan báo rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”.

Từ chuyện chơi bời của trẻ con thành chuyện tình duyên, rồi vợ nhường ngôi cho chồng cũng là lẽ hợp lý, từ đó triều chính chuyển giao sang tay họ Trần. Tất cả đều nằm trong mưu kế mà Trần Thủ Độ tính toán và được sự hậu thuẫn đắc lực, cực kỳ quan trọng của Thái hậu Trần Thị Dung, mẹ đẻ của Lý Chiêu Hoàng, cô ruột của Trần Cảnh.

LẦN GẶP GỠ CUỐI CÙNG:

Sau khi nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng trở thành Hoàng Hậu Chiêu Thánh. Ngỡ rằng từ đây cuộc đời bà chỉ có niềm hạnh phúc với bổn phận người vợ. Thế nhưng đến năm 19 tuổi Chiêu Thánh Hoàng Hậu Lý Chiêu Hoàng vẫn chưa hạ sinh được con, Trần Thủ Độ sợ vua không có người thừa tự đã nói với Trần Thái Tông rằng:

“Hoàng hậu Chiêu Thánh làm vợ đã hơn 10 năm mà không sinh nở thì làm sao có hy vọng về sự nối dõi sau này, bệ hạ phải chọn một hoàng hậu khác!”.

Nói là làm, bằng uy quyền của mình Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông phế ngôi vị Hoàng Hậu, giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Thế là trong ngót 20 năm sau đó, từ khi phải làm công chúa lần thứ hai này, Chiêu Thánh sống âm thầm nơi thâm cung, một mình một bóng với nỗi hiu quạnh, khổ đau, buồn tủi.

Năm 1258 sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Thái Tông mở hội tại chính điện, ban thưởng cho quần thần và xuống chiếu gả Chiêu Thánh cho tướng Lê Tần (tức Lê Phụ Trần), người có công lớn trong cuộc chiến chống giặc vừa qua. Vậy là người vợ bị ruồng bỏ lại trở thành “phần thưởng” mà người chồng ban cho bề tôi của mình.

Trước khi có quyết định đầy đau đớn này, vua Trần Thái Tông đã đến gặp lại người vợ đầu của mình sau hơn 20 năm xa cách. Nhà vua đã tỏ ý buồn rầu, đau khổ vì để người vợ chịu cảnh như vậy. Và rồi ông đã thốt lên:

“Nàng đã vì cơ nghiệp họ Trần mà hy sinh, chịu đựng. Nay duyên phận đã hết, chúng ta không cùng bên nhau đến bách niên giai lão, nhưng trẫm cũng không muốn nàng phải sống trong hiu quạnh. Ta muốn nàng gá nghĩa với Lê Tần, người này là một tướng tài vốn thuộc dòng dõi nhà Lê ngày trước, ông ta oai dũng có thừa lại phong lưu mã thượng, nhiều mưu lược; trong cuộc phá giặc Thát Đát vừa rổi đã lập công lớn, từng hộ giá cứu trẫm. Mong nàng suy nghĩ kỹ, chớ phụ lòng trẫm”.

Nói rồi Trần Thái Tông đứng dậy ra khỏi cung, tâm hồn ông và mặc cảm về lỗi đạo vợ chồng dường như nhẹ bớt phần nào đó. Còn Chiêu Thánh Lý Chiêu Hoàng vẫn ngồi lặng lẽ nhìn theo hình dáng người chồng bao năm mới thấy lại trong chốc lát và giờ đang khuất dần sau cánh rèm lụa vàng thêu phượng.

Không những là những lời chua xót từ người chồng, ngay cả mẹ của bà cũng thuyết phục con gái mình chấp nhận mối hôn sự này:

“Mẹ hiểu lòng con, nhưng mẹ muốn con nghĩ đến sơn hà xã tắc, đến cơ nghiệp họ Trần mà chính con đã góp công gây dựng. Hoàng thượng có cái khó của Người, con đừng nên oán trách. Bản thân mẹ cũng mang những đau khổ, nhọc nhằn chứ có thoải mái gì hơn, con nên hiểu lòng mẹ. Mẹ con ta đều vì nghĩa lớn cả thôi”.

Chỉ biết rằng lệnh vua ban ra, ai nào dám chống, lại có sự khuyên nhủ của mẹ nên Chiêu Thánh chấp nhận. Nhưng nàng đã ra ba điều kiện mong vua chấp thuận:

“Xóa bỏ ngay lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý.

Lăng miếu thờ các vị hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn, chăm sóc chu đáo.

Dinh của Phụ Trần phải chuyển ra xa Hoàng thành.”

Nhanh chóng các điều khoản của Lý Chiêu Hoàng được chấp thuận. Và nàng đã đồng ý kết hôn với Lê Tần. Lúc này bà dù 40 tuổi nhưng vẫn còn xuân sắc mặn mà.

Chiêu Thánh sớm hòa hợp bên Lê Phụ Trần, hay cũng có thể nói đó là những ngày tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời bà. Vậy là hạnh phúc đã đến với Lý Chiêu Hoàng, tuy muộn màng nhưng dù sao đó cũng là kết thúc có hậu mà bà đáng được hưởng sau bao phen tủi hờn, sầu thảm.

Leave A Reply

Your email address will not be published.