Phố đi bộ hồ Gươm là ý tưởng của người Pháp từ năm 1884

0 41

Ít người biết ý tưởng về một khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm là của người Pháp từ năm 1884 ngay từ những năm đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Dự án đại lộ quanh Hồ (boulevard autour du Petit Lac) được hình thành từ năm 1884, việc san đất thi công được thông báo vào ngày 15/4/1885.

Hiện nay, phố đi bộ Hồ Gươm đã không còn xa lạ gì trong mắt những người sinh sống và làm việc ở thủ đô Hà Nội. Phố đi bộ Hồ Gươm là một địa điểm du lịch hẫp dẫn và thú vị thu hút nhiều khách trong và ngoài nước. Nó không chỉ là nơi mọi người tự do đi dạo, vui chơi, giao lưu, trò chuyện, mà còn là nơi diễn ra các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa nghệ thuật cá nhân tự phát hoặc được tổ chức.

Tuy vậy, chắc chắn sẽ ít người biết ý tưởng về một khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm là của người Pháp từ năm 1884 và thực hiện ngay từ những năm đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Dự án đại lộ quanh Hồ (boulevard autour du Petit Lac) được hình thành từ năm 1884, việc san đất thi công được thông báo vào ngày 15/4/1885.

Để thực hiện mục đích nhào nặn Hà Nội thành một thành phố Châu Âu, vào năm 1883, chính quyền Pháp đã mở một con đường nối khu nhượng địa với khu vực Trường Thi và Hoàng Thành cũ – nơi đặt trụ sở của bộ máy chỉ huy quân sự. Đây cũng là trục đường chính để mở rộng các hoạt động xây dựng trong nhiều năm tiếp theo.Từ đây, không gian kiến trúc cảnh quan của Hà Nội có nhiều biến chuyển lớn – từ thành lũy, phường thị sang thành phố quy hoạch theo kiểu Châu Âu, kéo theo sự thay đổi cả về hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc và không gian xanh xung quanh Hồ Hoàn Kiếm (Petit Lac).

Khi xây dựng khu vực Hồ, Tổng Trú sứ Trung – Bắc Kỳ đã yêu cầu Thống sứ Bắc Kỳ phải giữ lại khu vực quanh Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm với chiều rộng ít nhất là 20 mét. Tuyến phố Paul Bert- des Inscruteurs (tuyến phố Tràng Tiền- Hàng Khay- Tràng Thi ngày nay) là tuyến phố đầu tiên được hình thành ở khu vực này. Các tuyến phố vuông góc với tuyến phố trên được hình thành tiếp theo là phố Francis Garnier (phố Đình Tiên Hoàng) và Beauchamps Ferry (phố Lê Thái Tổ), cùng với các tuyến phố song song tạo ra một hệ thống các tuyến phố bao quanh Hồ Hoàn Kiếm và trở thành hệ thống đường phố đầu tiên ở Hà Nội. Ở phía Đông Nam Hồ Hoàn Kiếm, người Pháp tập trung hoàn thiện xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị của thành phố Hà Nội. Đây là khu vực dành cho các cơ quan hành chính chính trị đầu não của chính quyền Pháp ở Hà Nội như tòa Đốc lý, tòa Thống sứ Bắc Kỳ, kho bạc, bưu điện, ngân hàng,…

Bản đồ quy hoạch Hà Nội năm 1873 và phố đi bộ hồ Gươm là ý tưởng của người Pháp từ năm 1884
Bản đồ quy hoạch Hà Nội năm 1873 và phố đi bộ hồ Gươm là ý tưởng của người Pháp từ năm 1884

Đại lộ Francis Garnier có quyết định xây dựng từ năm 1884 với tên gọi ban đầu là boulevard autour du Petit Lac (đại lộ quanh Hồ Nhỏ) hoặc boulevard du Petit Lac (đại lộ Hồ Nhỏ) hay boulevard du Lac (đại lộ ven Hồ), nhưng đến tháng 4/1885 mới được phác thảo. Dự toán cho việc xây dựng đại lộ này được lập ngày 01/7/1887 với tổng kinh phí là 2000 france. Trong thư gửi quyền Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kỳ ngày 17/10/1887, Phó Công sứ Hà Nội đã yêu cầu trưng dụng đất đai của người bản xứ ở phố Paul Bert và phố Brodeurs để chuẩn bị cho việc khởi công công trình. Và sơ đồ từng phần của con đường này đã được chốt lại vào ngày 5/1888. Đại lộ Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) cùng với vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ) tạo ra ở khu vực này một không gian cây xanh và là trục đi bộ quan trọng của trung tâm đô thị.

Năm 1888, Hội đồng thành phố bỏ đã đồng ý chi 2600 đồng bạc Đông Dương để thi công đại lộ nhưng một số chủ đất ở khu vực này đã đòi bồi thường quá cao nên việc trưng dụng đã kéo dài nhiều năm. Do công trình chưa được khởi công nên chính quyền đã phải đưa ra những biện pháp để ngăn chặn việc xây dựng trên các khu đất đai cần trưng dụng. Đại lộ quanh Hồ Nhỏ được bắt đầu xây dựng năm 1891 nhưng do còn vướng mắc với chủ đất ven Hồ nên mãi đến năm 1893 mới hoàn thành và được đặt tên là đại lộ Francis Garnier, năm 1945 được sáp nhập với đại lộ Beauchamps đổi tên thành phố Lê Thái Tổ, năm 1951 tách khỏi đại lộ Beauchamps và đổi tên thành đại lộ Đinh Tiên Hoàng (tức phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay).

Ngày nay, tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (đại lộ Francis Garnier trước đây) là tuyến phố dài nhất, quan trọng nhất của khu vực Hồ Hoàn Kiếm (nơi tọa lạc Ủy ban Nhân dân thành phố, Bưu điện trung tâm cùng nhiều trụ sở cơ quan khác) cùng vườn hoa Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu,…Đây cũng là tuyến đường nhiều người dân Hà Nội tụ tập và đi dạo hoặc tập thể dục nhất vào buổi sáng hoặc … Khánh du lịch cũng thường xuyên ra đây để ngắm cảnh, thưởng ngoạn và chụp ảnh lưu niệm

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hà Nội đã có biết bao đổi thay. Một phố Tây xa hoa giữa lòng đô thị cổ mấy trăm năm tuổi không làm phá vỡ kiến trúc phố cổ, trái lại còn tạo nên một Hà Nội độc đáo, hấp dẫn với những sự đan xen giữa khu phố Tây – phố ta và ngày nay, phố đi bộ quanh hồ Gươm là một trong những nét thu hút của Hà Nội

Leave A Reply

Your email address will not be published.