Trận đánh Hà Nội và câu chuyện Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết năm 1873

0 447

Nguyên soái Nguyễn Tri Phương chọn cái chết sau vụ thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất vào năm 1873 có nhiều uẩn khúc chưa được lý giải một cách thuyết phục.

Ngày 20 tháng 11 năm 1873 (tức ngày 1 tháng 10 năm Tự Đức thứ 26), quân Pháp với con số khiêm tốn 180 binh sĩ, do Francis Garnier và Jean Dupuis phối hợp đã tấn công thành Hà Nội. Sau chưa đầy một giờ, Pháp đã chiếm được thành.

Đại Nam thực lục chính biên chép:

“…ngày mồng 1 tháng 10 (âm lịch) đánh úp tỉnh thành, quan quân chia cửa chống giữ. Khâm mệnh Nguyễn Tri Phương cùng với con là Phò mã Lâm (nguyên xin đi dò thám) giữ cửa Đông Nam, quân nước Pháp phá ngay trước, Lâm bị bắn chết, Tri Phương bị thương; quân các cửa tan vỡ, thành mới bị mất”. (ĐNTLCB-quyển 23, truyện các quan, mục 13, Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tập 3.)

Sách Đại Nam liệt truyện ghi lại:

“Tri Phương cùng con là Phò mã Lâm thì giữ cửa Đông Nam thành. Quân Phú (Pháp) phá cửa ấy trước, Lâm bị súng bắn chết, Tri Phương bị thương, thành bị hãm”.

“Tướng Nguyễn Tri Phương nằm gan lì ở dinh, tuyệt không ăn uống gì. Bọn quân Pháp coi giữ ở thành ấy thường đem cháo và thuốc đổ cho Phương ăn uống, nhưng Phương nhất thiết đều phun mửa ra. Thong dong nói rằng: nghĩa đáng phải chết.”

Sau này, các sách sử Việt Nam nhuận sắc thêm rằng: Sau trận Hà Nội 1873, Mặc dù tướng Nguyễn Tri Phương bị thương nặng nhưng quân Pháp vẫn bắt giữ và tìm cách chữa trị hòng mua chuộc, lợi dụng ông để thuyết phục các lực lượng khác của quân Nguyễn đầu hàng, nhưng Nguyễn Tri Phương từ chối. Ông xé băng vết thương và tuyệt thực để tuẫn tiết.

Hoặc đơn cử một cách phản ánh khác :

”Trong trận chiến này, con trai Tổng đốc Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận, bản thân Nguyễn Tri Phương cũng bị thương nặng và sa vào tay giặc. Bắt được Tổng đốc Nguyễn Tri phương, quân Pháp tìm cách chạy chữa hòng mua chuộc ông. Nguyễn Tri Phương từ chối khi chúng yêu cầu chữa trị viết thương, tuyệt thực tuẫn tiết để khẳng định tinh thần buất khuất với câu nói đanh thép “Bây giờ nếu ta chỉ lay lắt sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”.

Cách viết và lập luận của sách sử Việt Nam đều nghiêng về bình luận sự tiết tháo của nguyên soái Nguyễn Tri Phương, mà bỏ qua những sự kiện quan trọng khác.

Một loạt câu hỏi còn bỏ lửng chưa có câu trả lời:

Vì sao thành Hà Nội có một đội quân đồn trú đông đảo đến 7000 quân sĩ, dưới sự chỉ huy của một nguyên soái dầy dạn trận mạc như nguyên soái Phương lại có thể thất thủ dễ dàng như vậy ?

Trận đánh diễn ra như thế nào, tướng Phương chỉ huy phòng thủ ra sao, có những sơ xuất gì, bị thương, bị bắt và tuẫn tiết ở khu vực nào trong Hoàng thành Hà Nội ?

Tôi cố gắng tái tạo lại các sự kiện theo trật tự thời gian và tìm hiểu những uẩn khúc về sự kiện tuẫn tiết của nguyên soái Nguyễn Tri Phương.

Về việc tướng Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, sử tiếng Việt không có một dòng nào đề cập tình trạng vết thương ra sao, bị thương ở phần nào trên cơ thể.

Tuy vậy tài liệu của Pháp về điểm này cũng có nhiều mâu thuẫn.

Sử gia Philippe Devillers mô tả ”le maréchal Phuong a été grièvement blessé d’une balle dans le bas-ventre alors qu’il montait sur les remparts exciter les soldats cachés derrière le pararet.” (Français et Annamites partenaires ou ennemis 1856-1902– trang 161.)

Nguyên văn: ”Nguyên soái Phương trúng một viên đạn, bị thương nặng ở bụng dưới, khi trèo lên mặt lũy cổ vũ quân lính đang ẩn trốn phía sau lan can thành”.

Sử gia Philippe Héduy viết trong tác phẩm ‘Lịch sử Đông Dương, viên ngọc của đế chế 1625-1954’ (Histoire de l’Indochine, la perle de l’Empire 1624-1854) : ”vị nguyên soái già bị thương ở mạng sườn bởi mảnh đạn”

Cháu ruột đời thứ ba, cùng tên với trung úy hải quân chỉ huy chiến thuyền ‘Espingole’ Andrien Balny d’Avricourt, sĩ quan cùng tham dự chiến dịch đánh thành Hà nội năm 1873, cùng hy sinh ngày 21/12/1873 với Françis Garnier trong khi truy đuổi quân Cờ đen, là người sau này cũng trở thành sĩ quan tham chiến tại chiến trường Đông Dương năm 1948-1951, đã tham khảo những tư liệu gia đình, tài liệu của Bộ hải quân và thuộc địa Pháp, hậu duệ gia đình những thành viên liên hệ trực tiếp đến sự kiện Tonkin và những sử liệu thuộc ‘ Instruction publique en Indochine’ đã mô tả thêm nhiều chi tiết mới trong cuốn sách ”L’enseigne Balny ets la conquêté du Tonkin” tả lại rằng :”nguyên soái bị thương nặng ở bụng, một tháng sau thì mất.” (Trang 207).

Họa thần của danh tướng Nguyễn Tri Phương trước trận đánh thành Hà Nội năm 1873
Họa thần của danh tướng Nguyễn Tri Phương trước trận đánh thành Hà Nội năm 1873

Như vậy là có thể tạm kết luận là tướng Nguyễn Tri Phương có bị thương.

Theo đánh giá của tôi, trong tình hợp nguyên soái Phương bị thương nặng, kịch bản chỉ có thể xảy ra là :

Nguyễn Tri Phương được quân y Pháp điều trị thành công, cứu sống.

Các vết thương ở ổ bụng thuộc loại những vết thương tồi tệ nhất trong chiến tranh. Thông thường nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách, máu sẽ tràn ứ phổi dẫn đến ngộp thở, máu trào ra ngay từ miệng, mũi, ngăn cản đường hô hấp, gây ra tử vong.

Trường hợp đạn phá vỡ các cơ quan nội tạng dẫn đến tràn dịch ruột, gây ngộ độc, đau đớn khủng khiếp, choáng… ít ai sống được qua một ngày vì các vết thương tương tự nếu không được cấp cứu đúng.

Nguyên soái Phương một tháng sau mới mất, thì đương nhiên ông phải được hưởng những sự chạy chữa và cấp cứu của quân đội Pháp.

Sau trận Solferino 24/6/1859 giữa quân đội Pháp và quân Áo, dẫn đến việc ra đời CICR (Hội chữ thập đỏ quốc tế), Pháp đã ký công ước quốc tế ‘Convention de Genève’ 22/8/1864 về chăm sóc tù binh chiến tranh.

Là một sĩ quan dầy dạn, đã từng tham gia chiến dịch chiếm Bắc Kinh, tham gia trận Kỳ hòa, đụng đầu trực tiếp với nguyên soái Nguyễn Tri Phương năm 1861, đồng thời là phó đoàn khám phá sông Mekong, Françis Garnier dầy dạn kinh nghiệm chiến trường, được đào tạo theo những quy định quân đội, nên việc đối xử với quan quân Việt không nằm ngoài thông lệ.

Ngay với các thành viên gây ra các vụ khủng bố bị thương, bị bắt cũng luật của Pháp nghiêm cấm hành động trả thù, đánh đập. Nên các bình luận rằng Pháp chữa chạy để ‘mua chuộc’ là không cần thiết, thiếu chính xác. Các đơn vị của Pháp khi đó chỉ chiến đấu, không hề tuyển quan chức nhà Nguyễn để lo việc lậo ra bộ máy ‘thân Pháp’, điều chỉ xảy ra nhiều chục năm về sau.

Thử xem một số khả năng khác về nguyên nhân Nguyễn Tri Phương mất

Tôi cho rằng chúng ta cần xem xét cả khả năng nguyên nhân dẫn đến cái chết của nguyên soái Phương là do ông phản ứng lại quyết định của vua Tự Đức, hoặc do ông uống thuốc độc, hoặc ông là nạn nhân của sự bôi nhọ bởi chính các đại thần triều đình Huế cử ra Hà Nội.

Đọc các chỉ dụ của vua Tự Đức, dễ nhận thấy sự thiếu tin tức, thiếu thực tế trong cách động binh của triều đình Huế. Có thể việc làm này xuất phát từ những thông tin sai lệch hoặc thầy dùi của các quan văn võ ghen tức với tướng Phương?

Đáng chú ý có bản Phụng thượng dụ của Cơ Mật viện (Châu bản tập 156, tờ 36, ngày 5/10, năm Tự Đức thứ 26) chép:

…Lệnh cho Nguyễn Trị Phương thu gom quân sĩ tìm cách đánh chiếm lại thành Hà Nội để chuộc tội“.

Trong vòng chưa đầy một tháng, các tỉnh thành xứ Bắc (Pháp gọi là Tonkin) lần lượt rơi rụng. Ngày 24/11, Hưng Yên mất không nổ một phát súng, ngày 26/11, Phủ Lý rơi vào tay Balny trong tay chỉ có 15 lính, ngày 4/12 Balny chiếm Hải Dương thu được một kho bạc lớn, 200 đại bác, hàng tấn gạo muối, ngày 10/12 Garnier chỉ huy 30 lính chiếm thành Nam Định.

Tuy nhiên, lúc này Nguyễn Tri Phương đã bị thương và bị bắt, đương nhiên không thể thi hành lệnh vua

Xem tiếp : Trận đánh Hà Nội năm 1873 và câu chuyện tướng Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết năm 1873 – P2

Leave A Reply

Your email address will not be published.