Cách vua phong kiến Việt Nam đặt tên cung điện

0 101

Cách vua phong kiến Việt Nam đặt tên cung điện như : Trường Xuân, Nghênh Xuân, Hợp Hoan… cho ta biết ngay là nơi vua “ngự” với các hoàng hậu, phi tần về đêm.

Như triều Tiền Lê, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại các cung điện trong kinh đô Hoa Lư có tên là Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc, những cái tên mang màu sắc Đạo giáo, đều gợi ý nghĩa hoan lạc.

Riêng chỗ ngủ của vua Lê Hoàn gọi là điện Trường Xuân, tức là mùa xuân dài lâu. Đây chính là nơi Lê Hoàn qua đời tháng 3.1005 mà sử có ghi lại.

Từ tên các cung điện của vua nhà Tiền Lê như trên, mà nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường còn suy luận rằng cách vua phong kiến Việt Nam đặt tên cung điện như tên lầu Đại Vân mà Lê Hoàn khoe với sứ thần nhà Tống là Tống Cảo, có ý liên hệ với chuyện “mây mưa”. Tất nhiên đây cũng mới chỉ là giả thuyết của riêng nhà nghiên cứu này.

Sang đến thời Lý, kinh đô chuyển về thành Thăng Long, sử ghi việc vua đầu triều Lý Thái Tổ cho mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, có nghĩa là con rồng bay qua cửa ấy để đón nhận mùa xuân, ý là hưởng thú vui chăn gối. Cung này cũng gần với điện Long Thuỵ được giải thích rõ ràng “làm chỗ cho vua ngủ nghỉ”.

Cùng được xây với cung Long Thụy là cung Thuý Hoa với cùng mục đích, và khi cung này hoàn thành thì sử sách ghi lại việc khánh thành rất trang trọng, triều đình tiến hành đại xá thiên hạ, ban thưởng cho quan và lính, trong khi trong suốt nhiều năm quanh đó, không có sự kiện khánh thành cung điện nào khác được ghi nhận.

Năm 1029, sau khi kinh thành bị tàn phá bởi sự biến “Loạn tam vương”, vua Lý Thái Tông cho xây dựng lại tử cấm thành, trong đó có điện Trường Xuân sau điện Thiên Khánh, trên điện Trường Xuân có gác Đồ Long.

Từ điện Thiên Khánh nối với điện Thiên An ở phía sau đều có bắc cầu gọi là cầu Phượng Hoàng, cái tên mang đậm nữ tính, ý rằng đây là nơi đi vào chỗ ở của các cung tần mỹ nữ trong cung. Đến đời vua Lý Nhân Tông thì năm 1089 có ghi lại sự kiện liên quan đến cung Hợp Hoan, mà không cần phải giải thích công dụng của nó, ai cũng có thể hiểu ngay là để vua… sử dụng để làm gì.

Sang đến triều Trần, năm 1238, tức là sau khi Trần Thái Tông nhận truyền ngôi từ Lý Chiêu Hoàng tận 13 năm, kinh thành Thăng Long bị lụt, An Sinh Vương Trần Liễu là anh ruột vua chèo thuyền vào chầu, đã rẽ vào cung Lệ Thiên hiếp dâm cung phi cũ triều Lý. Vụ việc bị phát giác, tuy An Sinh Vương vẫn bị phạt cho phải phép nhưng vua lại cho đổi tên cung Lệ Thiên thành cung Thưởng Xuân, một sự việc nghe như… khen ngợi hành động ấy vậy.

Triều Hậu Lê, Nho giáo trở thành quốc giáo, nghi lễ trong triều đình nghiêm cẩn, chặt chẽ hơn, các tên cung điện phong lưu như trên không còn thấy xuất hiện nữa. Sau khi thời Lê Sơ không sách lập hoàng hậu, thời Lê Trung Hưng, Lê triều hội điển viết, nơi ở của Hoàng hậu là điện Vạn Thọ, cái tên hết sức nghiêm túc.

Tuy tên các cung, viện nghiêm trang như vậy, nhưng đời sống chăn gối của các vua đầu triều Nguyễn cũng rất “hoành tráng”, như có tới 64 người con, vua Minh Mạng có tới 142 người con, đặc biệt vua Minh Mạng còn để lại truyền thuyết “nhất dạ lục giao”, tức là mỗi đêm ngủ với tận 6 bà vợ!

Theo tác giả Tôn Thất Bình trong quyển Đời sống trong Tử cấm thành, thì chỗ ngủ của vua Minh Mạng là ở điện Càn Thành, đó là nơi mà hằng đêm, các viên thái giám lần lượt đưa các cung phi đến ngủ với vua.

Leave A Reply

Your email address will not be published.