Cái chết tổng thống Ngô Đình Diệm và chế độ VNCH : Chuyên gia Bùi Kiến Thành

0 204

Tại sao phải giết tổng thống Ngô Đình Diệm ?. Câu hỏi này đến nay vẫn là đề tài thảo luận của nhiều nhà lịch sử. Sau đây là cuộc phỏng vấn với chuyên gia Bùi Kiến Thành và cũng là nhân vật lịch sử, người bạn chí tình của tổng thống Ngô Đình Diệm

Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã đưa đất nước Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử. Cái chết của hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu, những tướng lãnh tham gia cuộc đảo chánh không ai biết người ra lệnh thủ tiêu hai ông là ai nhưng sau khi tro bụi của cuộc cách mạng lắng xuống những gương mặt đứng phía sau giật dây cho cuộc tàn sát ấy bắt đầu được điểm danh và lịch sử luôn công bằng cho từng người một.

Phóng viên Mặc Lâm phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành, ông được biết đến là người Việt đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Hoa Kỳ. Ông là con của bác sĩ Bùi Kiến Tín. Gia đình ông rất thân với gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm và bản thân ông cùng ông Diệm đều rất thân thiết với nhau từ khi cả hai còn nhỏ. Tháng 7 năm 1954, ông về làm trợ lý đặc biệt cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm theo lời đề nghị giúp đỡ của thủ tướng. Ông là một nhân chứng lịch sử, một người bạn, người cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu tiên khi từ Mỹ trở về Việt Nam chấp chính cho tới khi biến cố xảy ra.

Sau những năm 1980, ông nhận lời làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam về chính sách đổi mới, kinh tế thị trường. Từ 1991 đến 1995, ông hỗ trợ Bộ ngoại giao và các bộ ngành liên quan cải thiện các mối quan hệ với Hoa Kỳ, chương trình tù binh và mất tích trong chiến tranh (MIA – POW),…

Cái tốt và chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa

Mặc Lâm: Thưa ông Bùi Kiến Thành, xin cảm ơn ông cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Ngày 1 tháng 11 hàng năm có lẽ ai theo dõi tình hình Việt Nam trong lịch sử đương đại đều nhớ là ngày mà cuộc đảo chính không những lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn giết cả hai anh em ông ấy tại Sài gòn vào năm 1963. Ông có nhận đình gì về ngày lịch sử này thưa ông?

Bùi Kiến Thành: Có lẽ cũng là một ngày chúng ta nên ôn lại cái được và cái chưa được cái tốt và cái chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa để chúng ta rút bài học.

Mặc Lâm: Vâng, trước khi đi sâu hơn vào chi tiết xin ông vui lòng cho biết về mối quan hệ của ông với Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Bùi Kiến Thành: Trong khi tôi học ở Columbia vào những năm 1952 cho tới năm 1954 lúc đó thì chí sĩ Ngô Đình Diệm đang ở New Jersey. Cứ mỗi cuối tuần thì ông qua New York thăm chơi với tôi cùng một anh bạn nữa là anh Bùi Công Văn, ảnh là phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Cứ tối thứ Bảy thì ông qua ngồi nói chuyện suốt đêm cho tới sáng Chủ Nhật thì ông đi lễ, đi lễ về rồi lại nói chuyện suốt ngày, tới chiều Chúa Nhật thì ông trở lại tu viện Maryknoll.

Chúng tôi sống với nhau trong cảnh bạn cố tri trao đổi như thế trong suốt gần hai năm tại New York trước khi ông Diệm về bên Pháp và sau đó về làm Thủ tướng chánh phủ.

Sau khi ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng chính phủ chấp chánh vào ngày mùng 7 tháng 7 thì ông Diệm gửi điện qua New York và Washington yêu cầu tôi trở về để giúp đỡ. Ngày 23 tháng 8 năm 1954 sáu anh em chúng tôi là cựu sinh viên của các đại học Mỹ về giúp cho ông Diệm trong thời kỳ rất là khó khăn. Làm Thủ tướng mà không có cảnh sát không có quân đội chỉ vỏn vẹn có 27 sĩ quan đi theo mà thôi.

Cả một đất nước do Pháp đang cai trị vì vậy khi nắm lại quyền tự do, quyền tự chủ, quyền độc lập trong thời kỳ đó rất là khó khăn vì vậy chúng ta phải đánh giá cao việc ông Diệm bình định được tình hình, đưa quân Pháp ra khỏi nước Việt Nam một cách ổn định và xây dựng nền đệ nhất cộng hòa. Điều này khi nghiên cứu lịch sử và đánh giá cao tinh thần của cả một thời kỳ không riêng gì ông Diệm mà những người đi theo hỗ trợ giúp đỡ cho ông Diệm, những nhân sĩ ở miền Nam, nhân sĩ ở miền Trung, miền Bắc… tất cả đều có công lớn đã xây dựng chế độ đệ nhất cộng hòa, nhưng rất tiếc rằng sau đó chúng ta không làm được những chuyện ta cần phải làm để đến nỗi bị đổ vỡ.

Mặc Lâm: Thưa ông trong khi gần gũi với Thủ tướng Ngô Đình Diệm ông và các người được Thủ tướng mời về cụ thể làm những việc gì để giúp cho chính phủ còn non nớt lúc ấy?

Bùi Kiến Thành: Tôi bên cạnh thủ tướng Ngô Đình Diệm suốt ngày mà! Khi tôi về tại Dinh Gia Long ngày 23 tháng 8 đó ăn cơm trưa với ông Diệm và một số Bộ trưởng, Tổng trưởng, có những nhân hào nổi tiếng của Việt Nam như ông Phạm Duy Khiêm, Bác sĩ Bùi Kiến Tín, Nguyễn Văn Châu… chúng tôi hết sức khẩn thiết làm bất cứ việc gì để ổn định tình thế, tôi ở suốt ngày suốt đêm trong dinh một thời gian rồi sau đó tôi mới dời ra ngoài. Sau khi bố trí lại thì ngày nào đêm nào tôi cũng vào trong dinh để mà làm việc với Thủ Tướng rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Một là bên Dinh Gia Long, sau nữa khi dời sang Dinh Độc Lập tôi cũng sát cùng ông Diệm như một cộng sự đặc biệt vì cái chỗ thân tình từ khi còn nhỏ kia, khi tôi mới 15-16 tuổi, hồi đó gia đình tôi thân với ông Diệm lắm. Chính ông cụ tôi đã cất giấu ông Diệm trong khi bị Nhật tìm bắt ông. Sau này khi không còn tham chính nữa ông cụ tôi tiếp tục làm y sĩ riêng cho Tổng Thông đến ngay ông ấy bị sát hai. Cái thân tình ấy dẫn tới chỗ hết sức gần với nhau. Tất cả những chuyện thâm cung bí sử, khó khăn trong thời kỳ tháng 8 tháng 9 tới tháng 12 năm 1954 thì thật sự hội lại chỉ có 4 người trong Dinh Gia Long thôi: thủ tướng Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Bác sĩ Bùi Kiến Tín và Bùi Kiến Thành. Chúng tôi bàn với nhau cái gì cần phải làm. Làm sao nắm được quân đội, làm sao đối kháng với Bình Xuyên, làm sao giải tỏa được thành phố Sài Gòn xây dựng lên một chính quyền được nhân dân ủng hộ.

Cái chết tổng thống Ngô Đình Diệm chế độ VNCH .

Leave A Reply

Your email address will not be published.