Đỗ Thích ám sát Đinh Tiên Hoàng và các tình tiết đáng ngờ của vụ án

0 696

Đến nay vẫn còn một nghi án phức tạp khác đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà nghiên cứu lịch sử : Đỗ Thích ám sát Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn.

Vụ án tưởng như đơn giản khi chính sử quy tội cho Đỗ Thích – viên quan nhỏ trong triều Đinh. Vậy động lực nào khiến Đỗ Thích dám cả can giết vua? Những tình tiết vô lý đến đáng ngờ trong vụ án này là gì? Chúng ta hãy cùng nhau lật lại vụ trọng án này một lần nữa.

💥 Động cơ giết người 💥
“Đại Việt sử ký toàn thư” bản năm 1993 (ĐVSKTT) có chép: “Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn”. Chúng ta hãy cùng đặt ra một câu hỏi: Liệu có quá liều lĩnh khi chỉ từ một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích lại có ý định giết vua đoạt ngôi? Kể cả có giết được vua thì với sự đơn lẻ của một cá nhân không có tiếng nói trong triều đình, chắc chắn Đỗ Thích cũng biết khả năng ngồi vào ngai vị hoàng đến gần như là con số 0. Có vài tài liệu ghi chép rằng: Đỗ Thích chính là cháu ruột của Đỗ Cảnh Thạc – một thủ lĩnh thời loạn 12 sứ quân bị Đinh Bộ Lĩnh giết. Giả thiết này nghe có vẻ đã hợp lý hoá toàn bộ vụ án, nhưng nó lại mâu thuẫn với trước nhất là chính sử. Nếu Đỗ Thích có ý định giết người trả thù thì tại sao lúc bị bắt y không khai ra động cơ? Hơn nữa gia phả họ Đỗ ở Đại Đê và sự tích đền Thảo Mã đều nói đến việc Đỗ Thích cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi bị Nam Tấn vương truy đuổi, chưa kể theo nhiều nghiên cứu quê của Đỗ Thích và Đỗ Cảnh Thạc hoàn toàn khác nhau. Một người từng cứu vua lại đi ám sát vua ư? Liệu có phải ông giết người hay chỉ là bức bình phong che đậy sự thật cho một âm mưu lớn đằng sau? Đó thực sự là hàng tá những nghi hoặc mà ta khó tìm được lời giải đáp xác đáng.

💥 Những lỗ hổng trong vụ án 💥
Như chính sử ghi chép thì Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị ám sát ngay ở giữa sân cung. Hình như có điều gì đó không đúng! Phải, giữa sân cung, ám sát cả vua và thế tử. Xuất thân là tướng từng tham gia chỉ huy trận dẹp loạn 12 sứ quân, xét về khả năng mà nói, Đỗ Thích chỉ là một con chuột nhỏ bé trước nanh vuốt hổ. Vả lại, đường đường là một bậc đế vương, chẳng lẽ xung quanh không có lấy nổi vài thị vệ cung phi? Ngô Sĩ Liên dường như cũng cảm thấy có gì vô lý, nên đã chữa cháy bằng chi tiết vua “say rượu”. Nhưng ông quên rằng, bấy nhiêu đó chỉ đủ để giết vua Đinh, còn Đinh Liễn thì sao? Giữa yến tiệc đêm mà sau khi Đỗ Thích vẫn chạy trốn được sau khi gây án thì thật có phần… không phục. Nếu Đỗ Thích tài đến mức giết được cả hai vị tướng giỏi này thì nguyên do gì ông để lại người con thứ Đinh Toàn không thủ tiêu nốt? Rõ ràng những tuyên bố chính sử không đủ để thuyết phục người đọc! Ngay đến sử gia Mai Khắc Ứng cũng viết trong cuốn “Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng” (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 1996): Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp?

💥 Giả thuyết về việc Lê Hoàn là chủ mưu vụ ám sát và sự chuyển giao quyền lực 💥
Như chúng ta đã biết, chính sử được quan chép sử đương thời ghi lại, tức là nó cũng chỉ mang tính chủ quan, có thể sai lệch hoặc vì lí do gì đó mà phải chép khác đi. Đặt vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, thế lực đứng đằng sau bức bình phong Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng thì người ta nghĩ đến đầu tiên là Lê Hoàn và thái hậu Dương Vân Nga. Hành động trao long bào cho Lê Hoàn của Dương Vân Nga được cho là một hành động cao quý, cứu nguy cho đất nước. Nhưng giả thuyết Lê Hoàn mưu sát Đinh Bộ Lĩnh lại là thứ người đời nghi hoặc nhiều hơn cả. Sử liệu đầu tiên đề cập đến điều này là “Mộng Khê bút đàm” của Thẩm Quát ra đời năm 1093 – tức là trước ĐVSKTT tới vài trăm năm. Tiếp đó, cuốn “Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng” cũng đề cập rằng: “Lê Hoàn giành được thế nhiếp chính đã cùng thuộc hạ mưu sự chiếm ngôi. Nếu không có công chống Tống vào năm Tân Tỵ (981) thì Lê Hoàn đã phạm tội bất trung và lịch sử vẫn giữ nguyên nghi án”.

Sau khi vụ ám sát xảy ra, Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn tự xưng làm phó vương. Vài tướng cũ triều Đinh sợ Lê Hoàn cướp ngôi vua, mới muốn tiến về kinh đô giết ông nhưng không thành. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Chu Công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi không tránh khỏi những lời gièm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền, làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ.”

Cần cân nhắc đến chi tiết: Tại sao Đinh Toàn lại không bị giết trong vụ mưu sát trên? Đỗ Thích được coi là kẻ “thí tốt” khi xét toàn cục, người được lợi nhất sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn vẫn là Lê Hoàn. Một bàn cờ mới mở ra dưới tay của Lê Hoàn mà quân cờ chủ đạo là Đinh Toàn. Để Đinh Toàn còn nhỏ lên ngôi, ắt giặc phương Bắc thấy chính sự rối ren sẽ lăm le xâm lược – điều đã được tính sẵn trong kế hoạch lớn. Viện cớ này, Lê Hoàn đã lấy được ngôi vua, chỉ huy đất nước một cách vô cùng chính đáng. Nhìn lại các sử gia từ Thẩm Quát, Ngô Sĩ Liên hay Mai Khắc Ứng cũng nhìn kẻ chủ mưu vụ án là Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Mọi tài liệu đều dần thuyết phục chúng ta rằng nghi án năm xưa Đỗ Thích hành thích Đinh Tiên Hoàng thực ra chỉ là để Lê Hoàn giữ sự trong sạch. Người đời còn đưa ra giả thuyết Đinh Toàn thực chất là con của Lê Hoàn và thái hậu họ Dương. Như vậy, việc sau khi lên ngôi, Lê Hoàn lập bà làm hậu cũng được giải thích một cách thoả đáng.

Tuy nhiên, mọi thứ về vụ án của cha con họ Đinh đều quá mơ hồ, ít được ghi chép tỉ mỉ. Sự thật lịch sử mãi mãi vẫn là dấu hỏi lớn cho hậu thế, bởi có những thứ đã bị chôn vùi, thậm chí bị làm sai lệch.

Leave A Reply

Your email address will not be published.