Vua Hàm Nghi và thời gian bị lưu đày ở Alger

0 439

Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, vua Hàm Nghi bị bắt giữ và lưu đày ở Alger ở Algerie. Các tài liệu của vị vua yêu nước này cũng rất ít. Rất may mắn là nhiều thông tin về vua Hàm Nghi và thời gian bị lưu đày ở Alger được hé mở trong quyển sách do Amandine Dabats là cháu đời thứ 5 của vua Hàm Nghi biên soạn

Tên quốc gia Việt Nam, dưới triều Nguyễn, từ khi hoàng đế Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, được đổi thành Đại Nam thời Minh Mạng (1820-1841), luôn luôn là một vương quốc có chủ quyền quốc gia. Vì vậy ngôi đầu triều đình được tôn xưng dưới danh tính “Hoàng Đế”. Từ giai đoạn Hàm Nghi, Giám đốc sự vụ và chính trị Đông Dương Jules Silvestre bắt các cộng sự dịch ra văn bản ngôi thứ này với chữ ‘vua’.

Điều này hợp với nhãn quan xấc xược của Trung Hoa không coi Việt Nam là một đế chế có chủ quyền. Từ “Hoàng Đế” và “Vua” được dùng lẫn lộn cho đến hết triều đại Nguyễn. Rất nhiều chi tiết về vua Hàm Nghi được tác giả Amadine Dabat là cháu đời thứ năm của vua Hàm Nghi ghi chép lại khá chi tiết trong quyển sách  “Hàm Nghi hoàng đế lưu đầy, nghệ sĩ ở Alger”. Trong cuốn sách của mình, Amandine Dabats cho biết, chị dùng và chọn lại chính danh từ “Hoàng Đế”, nhằm tôn trọng quan điểm chính thức của Việt Nam.

Cuốn sách chủ yếu trích từ luận án tiến sĩ mà Amandine bảo vệ thành công tại đại học Sorbonne ngày 3/12/2015, tự thân đã được thẩm định bằng những nhà khoa học uy tín Édith Parlier-Renault, Antoine Gournay (hai giáo sư Université Paris-Sorbonne), Philippe Papin (Directeur EPHE), Nora Taylor (giáo sư Học viện nghệ thuật Chicago -SAIC), Vũ Thị Minh Hương (giám đốc viện lưu trữ quốc gia Việt Nam).

Những con số chọn lọc trong tổng cộng 5034 tài liệu, cùng độ dài 14 năm mà Amandine đầu tư cho chủ đề này nói lên sự nghiêm túc, trân trọng độc giả của chị.

Sở hữu một khối tư liệu đồ sộ và đa dạng, Amandine trích dẫn, phân tích, cắt bỏ những mộng mỵ cả hai phía Pháp -Việt đều vô tình hay cố ý “vẽ rồng thêm chân”. Những tô vẽ chủ yếu mang tính chính trị, hay vụ lợi ấy với thời gian trở nên kệch cỡm và lẩm cẩm.

“Vai” và “trò” của Charles Gosselin, “bạn” đồng thời tác giả sách “L’Empire d’Annam“, được phân tích. Amadine truy xét lý lịch sự vụ của Gosselin, để những nhân chứng lạnh lùng tái hiện bộ mặt thật của nhân vật. Các nhà sử học hẳn tìm ở đây nhiều suy ngẫm về sử lý nguồn, điều gì đáng tin, cái gì loại bỏ.

Amadine Dabat, người cháu đời thứ năm của vua Hàm Nghi và quyển sách viết về ông
Amadine Dabat, người cháu đời thứ năm của vua Hàm Nghi và quyển sách viết về ông

Những bài viết, nhận xét của Hải Âu, Vũ Thanh Sự, Nguyễn Đắc Xuân… đều được Amandine kiểm tra thật cẩn thận. Cuốn sách viết ra nhằm mục đích trả lời câu hỏi ‘Hàm Nghi là ai và như thế nào ? Là một nhà chính trị ? Hay là một nghệ sĩ ?

Vua Hàm Nghi trong vai trò chính trị, Amandine phác họa ngắn, khái quát, chủ yếu là bản tường trình viết tay thuật lại buổi hỏi cung ngày 11/11/1888 của đại úy Boulangier, sĩ quan chỉ huy việc truy lùng và bắt được vua ngày 29/10/1888.

Biên bản này ghi lại đối thoại giữa vua Hàm Nghi với hai lãnh binh Trưong Quang Ngọc và Nguyen Than Dinh: “Tụi bay là giặc, bọn phản bội, giống như Đồng Khánh chạy theo Tây. Nhưng Hàm Nghi này không bán nước“.

Cuốn sách chủ yếu khai thác hình tượng một Hàm Nghi nghệ sĩ, một Hàm nghi với một số phận kỳ lạ và những mối tình trăn trở, sóng gió.

Ít ai ngờ rằng, Hàm Nghi cũng là một nghệ sĩ . Hàm Nghi đã ba lần trưng bầy các tác phẩm tại Paris : Tại bảo tàng Guimet (1904), phòng tranh Devambez (1909), triển lãm Mantelet Collet (1926). Thế chiến thứ Hai xô đổ những ấp ủ tiếp theo của những nhà tổ chức triển lãm.

Hàm Nghi cũng đã hiến tặng nhà nước Pháp một số họa phẩm, điêu khắc.

Ngày 10/11/1904. Lúc 33 tuổi, ông cưới cô gái mới tròn 20 Marcelle Laloe, con của Chánh án Tòa thượng thẩm Alger. Họ có với nhau ba con.

Hai con gái Nhu May, Nhu Y và con trai Minh Duc của ông đều không học tiếng Việt. Hình bóng một Việt Nam xa xôi với chúng có lẽ chỉ là chú chó có tên Tonkin và chiếc chòi gỗ, mái cong, để chơi trốn tìm, phía trước có chiếc ao bé xíu và mấy khóm sen.

Không rõ khi nào gia cảnh của ông rạn nứt, song những những năm cuối của Thế chiến thứ nhất, Hàm Nghi rơi không trọng lượng vào mối tình với Gabrielle Capek (1889-1983), một cô gái gốc Tiệp mồ côi cha mẹ. Cô tha hương đến Alger, làm gia sư cho nhiều gia đình quý tộc, dạy kèm cho Nhu May, con gái lên bẩy tuổi của ông. Hàm Nghi lúc đó 47, Gabrielle 29.

Bằng việc tìm sự thật qua sự giao chiếu của các nhân vật, chạm đến cốt lõi của sự việc, rồi đặt mình vào đấy, dũng cảm bỏ đằng sau những sáo ngữ, cung cấp cho bạn đọc khối tài liệu phần lớn chưa được biết đến, Amadine trao lại cho chúng ta chìa khóa sự nhận biết về viễn tổ của chị.

Phạm Cao Phong

Leave A Reply

Your email address will not be published.