Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazin của Nga

0 61

Quân nhà Thanh của Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazin của Nga. Nếu như lần đầu đã khiến quân Nga đầu hàng thì lần thứ 2 xem như đã thất bại khi quân Nga được sự trợ giúp của một chỉ huy người Phổ

Theo trang Weapons and Warfare, khu định cư Albazin của Nga nằm ở bên bờ sông Amur gần vùng Hắc Long Giang, trong vùng đất mà người Mãn Châu (nhà Thanh) coi là thuộc chủ quyền của họ. Vùng Albazin được bao phủ bởi các bức tường thanh bằng gỗ dày. Do đó sau khi Nga hợp nhất vùng Albazin vào lãnh thổ Nga, họ đã xem đây là một pháo đài vào gọi là pháo đài Albazin

Các bức tường chắn bảo vệ Albazin được làm bằng gỗ. Đó là lý do vì sao vào năm 1672, khi Nga chính thức hợp nhất Albazin, 

Sau đó, Albazin phát triển nhanh chóng. Trong khi các khu vực khác của vùng viễn đông Nga đóng băng tới mức không thể sản xuất, đất đai ở Albazin lại vô cùng màu mỡ. Các tòa nhà, trang trại bắt đầu mọc lên, trải khắp thung lũng của Albazin. Các tộc người ở Albazin cũng bắt đầu cống nạp lông thú cho Sa hoàng. 

Tuy nhiên, hoàng đế Khang Hy trẻ tuổi (1661 – 1722) của nhà Thanh khi đó cho rằng, các cống vật bằng lông thú này đáng ra phải thuộc về Trung Quốc. 

Đó là lý do Khang Hy quyết tâm đối đầu với một nước Nga ngày càng hùng mạnh bằng cách quân Mãn Thanh của Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazin của Nga. Năm 1682, sau khi dẹp loạn Tam phiên (1673 – 1681) do phản tướng Ngô Tam Quế khởi xướng, Khang Hy bắt đầu lên kế hoạch kỹ lưỡng, cử người do thám để vạch ra các tuyến đường, thu thập thông tin, đánh giá sức mạnh của người Nga và nghiên cứu các công sự của pháo đài Albazin. 

Các thông tin do thám cho thấy, người Nga không dễ bị khuất phục. Các bức tường bảo vệ của Albazin dù bằng gỗ nhưng rất chắc chắn. “Nếu không có hồng di pháo – một dạng đại bác cỡ nhỏ – thì không thể chiếm được pháo đài”, quân do thám của Khang Hy kết luận.

Cuộc vây hãm lần 1: Chỉ chịu đầu hàng vì lý do đặc biệt?

Pháo đài Albazin cách Bắc Kinh khoảng 1.000 dặm (khoảng 1.600 km) theo đường chim bay, việc điều động binh mã và hồng di pháo đến đây là rất khó khăn vì đường dài quanh co và qua nhiều vùng đất hiểm trở. Tuy nhiên, quân do thám của Khang Hy vẫn lạc quan: “Chúng ta có thể kéo pháo qua sông vào mùa đông khi nước đóng băng. Vào mùa hè, chúng ta sẽ dùng thuyền chở pháo”.

Hoàng đế Khang Hy đã lên kế hoạch chi tiết để chuẩn bị tiến đánh pháo đài Albazin, gồm xác định kích cỡ thuyền vận tải, chuẩn bị xây dựng kho lương cũng như bố trí người đưa tin.

Vị hoàng đế trẻ nhà Thanh nghiên cứu kỹ các tin mật báo và đề xuất của tướng lĩnh, sau đó gửi lại kèm ghi chú những phần chưa ổn để chỉnh sửa. Quá trình chuẩn bị được tính theo năm. 

Tháng 6/1685, hoàng đế Khang Hy điều 3.000 quân tới vây hãm pháo đài Albazin. Trước khi đi, hoàng đế nhà Thanh lệnh cho tướng sĩ tránh đổ máu nhất có thể: “Chúng ta cai trị theo nguyên tắc nhân từ và không bao giờ khát máu. Binh lính của chúng ta giỏi chiến đấu, lại được trang bị vũ khí tân tiến nên về lâu dài, người Nga sẽ không thể chống chọi. Họ sẽ phải trả lại phần lãnh thổ thuộc về chúng ta”.

Langtan, một vị tướng Mãn Châu được hoàng đế Khang Hy giao trọng trách thống lĩnh 3.000 quân tham gia cuộc vây hãm năm 1685, cũng nhắc nhở các tướng sĩ: “Dù người Nga đầu hàng ngay lập tức hay không, các ngươi không được phép thảm sát họ. Hãy kêu gọi họ đầu hàng và tha cho họ đường lui”.

Langtan tuân theo mệnh lệnh của Khang Hy. Tới Albazin, vị tướng này vài lần cử sứ giả tới kêu gọi người Nga ở trong pháo đài đầu hàng. Một số tài liệu của Nga cho thấy, quân Nga ở Albazin chỉ có 3 khẩu đại bác, 3 trăm súng hỏa mai và rất ít thuốc súng. Hơn nữa, thời điểm đó không còn là thời Phục hưng. Các bức tường gỗ của Albazin có thể rất chắc chắn và hữu dụng chống lại mũi tên hay súng hỏa mai nhưng không thể chịu được sức công phá của đại bác nhà Thanh. 

Dù bất lợi, người Nga vẫn không chịu đầu hàng. Một quan chức nhà Thanh khi đó viết: “Người Nga vẫn ẩn náu và tin vào sự kiên cố của pháo đài Albazin. Họ không chịu khuất phục”. 

Tướng Langtan muốn đánh nhanh thắng nhanh vì quân Thanh có lợi thế vượt trội cả về quân số và vũ khí. Một nhánh quân Thanh được lệnh tiến về phía nam pháo đài Albazin, dựng chướng ngại vật, chuẩn bị vị trí cho cung thủ… Tất cả được dựng lên chỉ nhằm đánh lạc hướng chú ý của quân Nga. Một nhánh quân Thanh khác bí mật kéo hồng di pháo tới phía bắc pháo đài. Các khẩu đại bác cỡ lớn với sức công phá mạnh hơn được bố trí ở cả trước và sau pháo đài, để thực hiện thế tấn công gọng kìm. Các thuyền pháo cũng được bố trí ở con sông gần Albazin. 

Các tài liệu châu Âu ghi lại rằng, quân Thanh có khoảng 100-150 khẩu hồng di pháo và khoảng 40-50 đại bác cỡ lớn. Đó là chưa kể một nhóm dùng súng hỏa mai lên tới cả trăm người. Với hỏa lực áp đảo, trong vài ngày đầu, quân Thanh hạ hơn 100 lính Nga trong pháo đài Albazin. Các bức tường gỗ phòng vệ của pháo đài cũng thiệt hại nặng nề. 

Các tài liệu từ Trung Quốc cho biết, sức mạnh hỏa lực không khiến người Nga chịu đầu hàng nhanh chóng nên quân Thanh đã thay đổi kế hoạch. Theo đó, Langtan cho người lén châm lửa đốt các bức tường gỗ, nhằm gây hoang mang cho quân Nga ở Albazin. Sau đó, chỉ huy Nga ở Albazin buộc phải cử sứ giả đến cầu hòa. Tuy nhiên, chỉ huy Nga nói rằng ông chấp nhận đầu hàng vì người dân trong pháo đài khẩn thiết cầu xin chứ không vì sức ép từ các bức tường cháy. 

Quân Thanh sau đó đốt phá bên trong pháo đài Albazin và các ngôi làng, tu viện gần đó, nhưng không giết người hay cướp bóc mùa màng. Sau khi quân Thanh rời đi, người Nga quay trở lại pháo đài, thu hoạch mùa màng và quyết tâm xây dựng công sự kiên cố hơn để chống lại các cuộc vây hãm trong tương lai.

Cuộc vây hãm lần 2: Quân Thanh gặp khó vì chuyên gia quân sự phía Nga

Lần này, chỉ huy Nga tập trung xây dựng các bức tường vững chắc hơn. Chịu trách nhiệm xây dựng công sự là một chuyên gia quân sự người Phổ Afanasii Ivanovich Beiton – người bị Nga bắt làm tù binh năm 1667 và bị đưa đến vùng Siberia trước khi chấp nhận quy thuận. Một số sử gia cho rằng, Beiton là một “kỹ sư quân sự được đào tạo và giàu kinh nghiệm”. 

Xây dựng các bức tường bảo vệ không phải việc dễ dàng, nhất là khi quân Thanh của hoàng đế Khang Hy đã lấy đi toàn bộ công cụ xây dựng. Theo các tư liệu châu Âu, sau nhiều nỗ lực, những bức tường bảo vệ cuối cùng cũng được dựng lên với chiều cao 5,5 mét và độ dày 7,5 mét. Các sách sử Trung Quốc ghi nhận số liệu thấp hơn nhưng thừa nhận các bức tường chắc chắn hơn trước rất nhiều. 

Đặc biệt, một trong những cấp dưới của Beiton đã học được cách làm tường nhờ trộn rễ cây với đất sét. Cách làm mới tạo ra những bức tường cứng như đá và rất khó công phá. Một đội do thám của quân Thanh cũng xác nhận, các bức tường rất dày và có trộn lẫn cây với đất, bên ngoài bọc bằng đất sét.  

Hệ thống phòng thủ của Albazin lần này được nhận định là đủ mạnh để chống lại sự vây hãm lâu dài. Tháng 7/1686, khi biết tin người Nga trở lại Albazin, nhà Thanh một lần nữa đem quân tới đánh chiếm. Tướng Langtan dẫn theo 3.000 quân cùng hàng chục thuyền chở đầy nhu yếu phẩm và vũ khí, trong đó có 30-40 khẩu đại bác, phục vụ cho trận vây hãm lần hai. Ngoài ra, quân Thanh còn mang theo 6 thuyền chỉ chở thuốc súng và đạn dược. Trái ngược, quân Nga ở Albazin chỉ có khoảng 800 người và 11 khẩu đại bác cỡ lớn, bom cùng lựu đạn cỡ nhỏ. 

Xem tiếp : Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazin của Nga – P2

Leave A Reply

Your email address will not be published.