Khu Di tích Ba Thê – Óc Eo ở An Giang

0 339

Khu Di tích Ba Thê – Óc Eo ở An Giang với nền văn hóa Óc Eo từ khi được khám phá đến nay vẫn ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với nền khảo cổ Việt Nam

Văn hóa Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho di chỉ ở núi Ba Thê, hiện nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu thường gắn địa bàn phân bố của nó với đồng bằng sông Cửu Long – Tây Nam bộ, mặc dù hiện nay đã phát hiện một số di tích văn hóa Óc Eo ở lưu vực sông Đồng Nai thuộc miền Đông Nam bộ.

An Giang là tỉnh tập trung dày đặc các di tích quan trọng của văn hóa Óc Eo. Hệ thống di tích Óc Eo ở khu di tích Ba Thê phân bố ở nhiều địa hình: trên các giồng, gò ở cánh đồng, ở sườn núi, chân núi… Hệ thống di tích nhiều loại hình này liên kết với nhau tạo thành một quần thể di tích của một trung tâm cư trú – cảng thị – tôn giáo đồng thời còn là một trung tâm chính trị. Các lọai hình di tích ở đây gồm có:

– Dấu tích các đường nước cổ – lung nước – hình thành một mạng lưới đan xen, lan tỏa, nối liền khu vực này với biển, với khu vực núi, giữa các khu vực cư trú với nhau. Mạng lưới đường nước ngòai chức năng tăng cường giao thông còn mang chức năng thủy lợi có tác dụng tích cực trong việc thóat nước vào mùa nước nổi.

Di tích kiến trúc trong văn hóa di tích Óc Eo gồm di tích cư trú, kiến trúc đền tháp và mộ táng. Vật liệu xây dựng gồm gỗ, gạch, đá: dấu tích các cọc nhà sàn và một số cấu kiện trang trí hoa văn, phế tích hay nền móng đền tháp thờ hoặc đền tháp-mộ táng. Gỗ và đá là nguyên vật liệu cư dân bản địa quen dùng từ thời tiền sử còn gạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật cuả Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Vật liệu đá có kích thước rất lớn, tham gia vào các công trình là bộ phận của kiến trúc chứ không chỉ là các chi tiết trang trí, được lắp ghép – kết nối bằng kỹ thuật chốt mộng. Hầu hết phế tích cho biết đây là đền tháp theo kiểu Ấn Độ có bình đồ hình vuông, nền móng dày đến hơn 1m xây bằng gạch, đất sét và đá sỏi để có thể chịu lực cuả công trình đồ sộ bên trên. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được loại hình mộ táng mà trước đây các học giả Pháp chưa biết đến. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng cuả Bàlamôn hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tuỳ táng khác.

Đây cũng là những Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia được bảo tồn và tôn tạo thành những bảo tàng ngoài trời phục vụ cho nghiên cứu, học tập và du lịch.

Leave A Reply

Your email address will not be published.