Vì sao triều đình nhà Nguyễn để mất nước

0 206

Theo như ý kiến của đa số người thì triều đình nhà Nguyễn để mất nước là do Triều Nguyễn bạc nhược, chủ hòa, không được lòng dân, không chịu canh tân đất nước, quân đội thì lạc hậu, hèn yếu. Thực dân Pháp thì quyết tâm chiếm nước ta làm thuộc địa, đã cho các giáo sỹ đi thăm dò, biến giáo dân làm tay trong…

Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích với góc nhìn rộng hơn, để so sánh với các nước trong khu vực đã bị chiếm và không bị chiếm. Đầu tiên là so sánh với Thái và Nhật là 2 nước châu Á không bị làm thuộc địa thì ta thấy triều đình nhà Nguyễn để mất nước lại là do nguyên nhân khác

Nước Thái Lan, lúc đó gọi là Xiêm (Siam) hay còn gọi là Xiêm La, có kinh tế và quân sự tương đối cân bằng với Đại Nam (tên nước ta vào thời Tự Đức). 2 nước giao chiến với nhau lần cuối là vào thời Thiệu Trị (ngay trước vua Tự Đức), để giành quyền bảo hộ Chân Lạp (Campuchia). Kết quả là 2 bên ký hòa ước sau khi Nguyễn Tri Phương đánh bại quân Xiêm, Chân Lạp đồng ý nhận sự bảo hộ của cả Xiêm và Đại Nam và 1/3 nước Chân Lạp vẫn bị sáp nhập vào Xiêm, còn 2/3 còn lại đã được Đại Nam cho tái lập nước Chân Lạp sau gần 10 năm bị sáp nhập. Tuy nhiên, Xiêm lại không bị chiếm làm thuộc địa. Như vậy tiềm lực quân sự và kinh tế không phải là yếu tố quyết định mà là vấn đề ngoại giao.

Nước Xiêm lúc đó bị kẹp mặt Bắc và Nam bởi Malaysia và Miến Điện, đều là thuộc địa Anh, mặt Đông giáp Lào và Campuchia thì là thuộc địa Pháp. Anh và Pháp đều muốn chiếm nốt Xiêm. Vua Xiêm đã phải mở cửa giao thương với các cường quốc, bao gồm cả Anh, Pháp, Mỹ, Đức… Nhưng không phải chỉ có mở của mà thoát, họ cũng phải trả giá, cũng phải “bán nước” không khác gì vua Tự Đức đã cắt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp để cầu hòa.

Trước mối đe dọa về chủ quyền từ hai cường quốc phương Tây vào những năm cuối của thế kỷ XIX, Xiêm đã buộc phải ký hoà ước năm 1907 đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ ở Lào và Campuchia và một khoản tiền lớn cho Pháp. Cái giá phải trả cho Anh cũng đắt tương tự, khi Xiêm buộc phải trả lại 4 tỉnh Kedah, Perlis, Kelantan và Trengganu cho Anh. Những hiệp ước này đã phần nào làm giảm áp lực của các cường quốc đối với chủ quyền của Xiêm và đảm bảo sự an toàn biên giới lãnh thổ của một quốc gia được quốc tế thừa nhận.

Tổng diện tích Xiêm phải cắt cho Anh và Pháp cũng không nhỏ hơn đất Nam Kỳ. Vậy sao vua Xiêm lại được coi là minh quân mà vua Tự Đức lại thành kẻ bán nước?

Sự khác biệt giữa vua Tự Đức và vua Rama III và vua Rama IV là mấy ông vua Thái đã chịu canh tân đất nước, còn vua Tự Đức thì không, nhưng đó không phải lý do quyết định, đã phân tích bên trên. 1 lý do mà ít ai nhắc đến, đó là sự may mắn là do Thái bị 4-5 cường quốc nhòm ngó, nên không nước nào muốn Thái thuộc về hẳn 1 nước. Thái nắm cơ hội đó để tiến hành chính sách khôn ngoan về ngoại giao. Trong khi VN lúc đó chủ yếu bị Pháp nhòm ngó và nhà Thanh là nước bảo hộ lâu đời nhưng lại quá yếu so với Pháp.

Tự Đức đã từng cho người đi cầu viện Mỹ, Đức là những nước từng thắng trận trước Pháp, nhưng bị từ chối (do các nước này không quan tâm tới VN). Số phận đã buộc Tự Đức phải đi cầu viện nhà Thanh. Thực tế quân Thanh đã kéo sang đánh Pháp, cũng có 1 số trận thắng nhỏ. Quân Thanh từng kéo sang đóng khắp mấy tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang (Phủ Lạng Thương) và Bắc Ninh để đánh Pháp. Nhưng kết quả là quân Pháp đánh sang tận Quảng Đông và Đài Loan, khiến Thanh phải nhượng bộ để ký hiệp ước Pháp Thanh công nhận sự bảo hộ của Pháp ở VN. Như vậy Tự Đức không phải là không cố gắng bảo vệ nền độc lập, nhưng số phận không mỉm cười với Đại Nam như với Xiêm.

Sự không may mắn thứ 2 với Tự Đức đó là quân dân Đại Nam không thuần như quân dân Xiêm. Khi vua đã ký hòa ước nhưng quân dân Đại Nam lại vẫn kháng chiến,gây thiệt hại cho Pháp, khiến họ có cớ để tiếp tục gây chiến ở HN (chiếm Hn 2 lần) trong khi mục đích của họ chỉ là tìm đường ngược sông Hồng sang buôn bán ở TQ. Kể từ khi vua Tự Đức ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 với Pháp thì quân dân VN chưa bao giờ ngưng chiến. Pháp sẽ quy trách nhiệm đó cho triều đình nhà Nguyễn và quyết tâm bình định toàn bộ nước VN cho đến khi không còn bất cứ cuộc khởi nghĩa nào. Trong khi đó, quân dân Xiêm lại tuân lệnh vua, không khởi nghĩa, thế nên Thái mới được hòa bình với Anh và Pháp cho dù vẫn bị mất đất.

Trường hợp của Nhật thì khác hẳn, Nhật chủ động canh tân đất nước, nhưng thời gian đầu cũng phải chịu nhục với Mỹ, bị Mỹ áp bức về thương mại, để học hỏi họ. Nhật không có tài nguyên, cũng không phải có vị trí then chốt trên con đường giao thương quốc tế như Malaysia, Thái Lan hay VN. Nhật canh tân từ sớm nên nhanh chóng tự cường để đi đánh nước khác và thoát bị chiếm vì có sức mạnh ngang hàng với các cường quốc châu Âu. Vì vậy so sánh VN với Nhật là khập khiễng, so với Thái sẽ gần giống hơn.

Tóm lại, vua Tự Đức và các vua nhà Nguyễn tiếp theo như Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh (ký hiệp ước cuối cùng với Pháp Patenotre, hoàn chỉnh việc xâm lược của thực dân Pháp) đã để mất nước vì các lý do là thiếu năng lực chủ động canh tân để quốc gia giàu mạnh, tự cường nhưng lý do cơ bản nhất vẫn là ngoại giao cứng nhắc khi giết cố đạo (gây bất hòa với Pháp), cản trở tự do thương mại với các nước phương Tây. Lý do thiếu may mắn thường ít được các sử gia nhắc đến.

Quân dân VN với tinh thần dân tộc quá cao cũng là lý do cơ bản dẫn đến mất nước. Lý do đó khá oái oăm nhưng là thực tế, bởi vì lúc đó trình đồ về kinh tế, khoa học kỹ thuật giữa các quốc gia Châu Á và Châu Âu quá lớn. Nên nhớ khi đó gần như cả Châu Á đều bại trận và nhiều nước là thuộc địa của Phương Tây. Chẳng hạn Trung Quốc bị liên quân 8 nước đánh bại. Ấn Độ cũng bị Anh xâm chiếm., .. Do đó nếu đổ lỗi đó hoàn toàn cho triều Nguyễn làm mất nước thì quả thật không công bằng .

Dương Quốc Chính

Leave A Reply

Your email address will not be published.