Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

0 311

Nói về anh hùng lao động trong ngành y của Việt Nam thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì người đầu tiên nhận danh hiệu này chính là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế năm 1958.

Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1909 tại Quy Nhơn. Cha ông là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ, mẹ là bà Công Tôn Nữ Chánh Tín, thuộc dòng hoàng tộc Huế, là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Ông mồ côi mẹ khi mới lên 2, không bao lâu cha ông cũng qua đời. Chị ông là bà Phạm Thị Ngọc Diệp lấy chồng (dược sĩ Phạm Doãn Điềm) giàu có, vì thế bà có điều kiện nuôi nấng, giúp đỡ em trai học lên bác sĩ.

Ông học tiểu học ở Phan Thiết, Thanh Hoá. Rồi sau đó ra Hà Nội học trung học ở trường Albert Sarraut. Ông học giỏi có tiếng, toàn đứng nhứt, học hành thông minh và chơi đá banh rất tài. Năm 1928, ông thi đậu vào Y khoa HN. Hết năm thứ 4 ông qua Pháp học và TN năm 1934. Ông rất xuất sắc nên ngay tại Pháp đã được cử làm trợ lý tại trường Đại học Y khoa Paris, chuyên ngành lao và các bệnh phổi, đồng thời là trợ lý ở bệnh viện Laennec trong 2 năm – vừa làm việc vừa trau dồi thêm kiến thức. Sau khi TN ông được thăng chức Giám đốc Bệnh viện Lao vùng núi phía đông nước Pháp, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa tại Viện Điều dưỡng Haute Ville

Cuối năm 1936, ông trở về nước. Ông để lại bức thư cho bà Marie Louise, hôn thê người Pháp vốn là một y tá nói rằng “Anh cần phải cho em biết là đất nước anh luôn trên tất cả. Suốt đời, anh sẽ đấu tranh cho đất nước anh…” Và vì yêu ông nên bà Marie đã theo ông về SG làm đám cưới.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch về mở phòng mạch riêng chuyên lao và phổi tại đường đường Chasseloup – Laubat Sài Gòn ( nay là Nguyễn thị Minh Khai). Phòng khám của ông có máy chụp X-quang là tân tiến nên đông bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân nghèo, nên ông rất thương xót, thường khám chữa và cho thuốc miễn phí, và còn giúp đi lại ăn ở với ai bệnh nặng. Ai không tới được phòng mạch thì ông tự lái xe tới nhà họ thăm bệnh. Thành ra dân rất quý ông và ca ngợi ông.

Ông theo kháng chiến chống Pháp. Tới 1958, sau nhiều chức vụ trong ngành Y, ông được cử làm Bộ trưởng Y tế đầu tiên của VNDCCH. Và gánh trọng trách này trong bối cảnh dân rất nghèo, đất nước có chiến tranh, đời sống khó khăn. Ông vừa xây dựng hệ thống y tế quốc gia, lo phòng tránh dịch, phát triển vaccine cho dân, vừa lo hỗ trợ phục vụ khám chữa bệnh cho quân đội… Và ngành y tế hồi đó khó khăn nhưng y bác sĩ rất tận tâm với bệnh nhân, không hề có chuyện nhũng nhiễu yêu sách.

Ông Phạm Ngọc Thạch làm Bộ trưởng Y tế 2 nhiệm kỳ, tới 1968 thì mất đột ngột trong một chuyến đi công tác do viêm phúc mạc mật và bị sốt rét ác tính, khi đó ông mới 59 tuổi. Ông có 2 con sống ở Pháp cùng vợ sau một thời gian cả nhà sống trong kháng chiến.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một nhà khoa học, một người yêu nước. Ông đã làm việc và cống hiến toàn tâm toàn lực cho bệnh nhân và cho ngành y tế, sống đúng như một lương y từ mẫu. Ông thực sự là Anh hùng mà người dân còn biết ơn và nhớ mãi.

(Fb Bích Hậu)

Leave A Reply

Your email address will not be published.