Khu di tích thành điện Lam Kinh thời hậu Lê ở Thanh Hóa

0 355

Khu di tích thành điện Lam Kinh thời hậu Lê ở đất Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá cũng là nơi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa dựng nên nhà Lê

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu… cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thư­ờng trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu…

Cây cầu Bạch (tên gọi xưa là cầu Tiên Loan Kiều) bắc trên sông Ngọc là lối đi chính dẫn du khách vào thăm Kinh thành cổ Lam Kinh. Cầu được làm theo kiểu dáng kiến trúc độc đáo phổ biến ở các nước nhiệt đới vùng Á Đông, đó là thượng gia hạ kiều tức trên nhà, dưới cầu.

 Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50m, phía trước có minh đường rộng rãi và bình phong là núi Chúa, phía sau có gối tựa núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”. Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài, có kích thước 4,4 x 1m. Trước Lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá dựng ở đây để trấn trạch (bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai nghê, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ).

Bia Vĩnh Lăng được dựng cách lăng 300m, bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,97m; rộng1,94m; dày 0,27m; đặt trên lưng một con rùa lớn cũng được tạc từ đá trầm tích biển nguyên khối có chiều dài 3,46m; rộng 1,9m; cao 0,94m kể cả đế.

Khi đến thăm quần thể khu di tích Lam Kinh. Du khách không chỉ được sống trong không gian lịch sử, ngược dòng về quá khứ để tưởng nhớ đến một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, mà còn được nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến chuyện lạ, như cách gọi của chính những người dân địa phương: “Quần thể di tích Lam Kinh là thế giới của những câu chuyện cổ tích được xây nên từ những linh khí của trời đất”

Leave A Reply

Your email address will not be published.