Tể tướng Nguyễn Quý Đức triều Lê Hy Tông

0 142

Tể tướng Nguyễn Quý Đức triều Lê Hy Tông là người làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Mặc dù là con của quan Đô đài ngự sử, nhưng Quý Đức vẫn sống ở làng quê, chăn trâu như mọi trẻ trong làng.

Khoa thi năm Bính Thìn (1676) đời vua Lê Hy Tông, Nguyễn Quý Đức một mình chiếm một bảng khôi nguyên “Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh”, tức là Thám hoa. Khoa này không có Trạng nguyên, Bảng nhãn, ông là người đứng đầu, tức là Đình nguyên.

Là người đỗ cao, Nguyễn Quý Đức được bổ làm Thiêm đô ngự sử làm chánh sứ sang Trung Quốc (1690), rồi làm Tả thị lang Bộ Lại. Ông được giao trọng trách cùng Lê Hy biên soạn Đại Việt sử ký bản kỷ. Năm 1708 được thăng chức Thượng thư bộ Binh, rồi đến chức Tham tụng (Tể tướng) hàm Thiếu phó Liêm Quận công.

Nguyễn Quý Đức là vị quan tài giỏi, nhưng sống khoan hòa, đôn hậu, gần dân. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Triều đình có chế tác gì lớn, phần nhiều do tay ông thảo. Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu…”.

Ông cấm đoán những việc phiền hà, sách nhiễu dân, khoan hồng với những người thiếu thuế và trợ giúp dân nghèo.

Sách Lịch triều tạp kỷ thì ghi: “Là người rộng rãi, trung hậu và trầm tĩnh, từ cách cư xử đến cách thù tiếp đều tỏ ra vui vẻ dễ dàng, nhưng khi bàn luận chính sự, hễ thấy việc gì chưa thỏa đáng thì kiên trì ý kiến nhiều lần, vững chắc không thể lay chuyển được… Ông làm chính sự cốt ở khoan hòa và trung hậu, được nhiều người suy tôn và noi theo”. Bởi vậy trong dân gian lưu truyền câu “Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên tức” (Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên vui).<

Tể tướng Nguyễn Quý Đức giỏi văn thơ, kiến văn uyên bác, từng giảng dạy, đào tạo nhân tài ở Quốc Tử Giám. Bấy giờ triều vua Lê chúa Trịnh đã qua 60 năm với 20 khoa thi mà chưa có bia tiến sĩ để ghi danh trong Văn Miếu. Nguyễn Quý Đức làm sớ xin trùng tu lại Quốc Tử Giám.

Triều đình chỉ cung cấp cho 1.000 quan tiền, Nguyễn Quý Đức phải bỏ tiền nhà và hô hào các nhà hảo tâm cung tiến, các gia đình khoa bảng đóng góp thêm, phải tốn đến hàng vạn quan mới đủ.

Sau hai năm vất vả, Quốc Tử Giám được sửa sang lại khang trang hơn: dựng điện Đại Thành và hai bên tả hữu vu, trang trí lại nhà Thái học và dựng 21 bia tiến sĩ mới còn thiếu. Mặc dù bận công việc của Tể tướng, ông đã trực tiếp theo dõi tỉ mỉ mọi việc và đích thân san nhuận từng văn bia một.

Khi tuổi đã cao, Tể tướng Nguyễn Quý Đức viết khải dâng lên chúa Trịnh: “Nghĩ mình được lạm gánh trách nhiệm nặng nề, thẹn không xứng đáng làm men để chế rượu, làm muối để pha canh… Tự xét lại, đức của thần còn kém xa các bậc tiên hiền, may trời ban cho được đến tuổi trí sĩ, thế mà không biết noi theo việc làm của tiên hiền, treo mũ cáo lão, thì e có cản trở đến đường lối đi tới của người hiền và không khỏi bị tiếng chê là luyến tiếc quyền vị”.

Triều đình đánh giá cao tài năng của ông, muốn giữ ông lại làm quan, ông phải ba lần làm khải dâng chúa mới được chấp nhận. Ngày về hưu, ông được vua Lê tự tay ban cho bốn chữ “Thái sơn Bắc đẩu”, hàm Thái phó Quốc lão.

Về hưu, ông lại ra đồng bàn luận công việc với dân làng, lấy 10 mẫu đất được triều đình ban cho đem tặng dân làng, trong đó dùng 4 mẫu để mở chợ Thánh Nguyên, tức chợ Mỗ ngày nay.

“Đức quý” của Tể tướng Nguyễn Quý Đức còn truyền lại cho cháu con. Con trai ông là Nguyễn Quý Ân thi đậu tiến sĩ, cháu nội là Nguyễn Quý Kính đỗ hương cống, đều làm quan trong triều và khi mất đi đều được tôn là phúc thần.

Leave A Reply

Your email address will not be published.