Nguồn gốc địa danh Sài Gòn xưa trước năm 1975

0 433

Nguồn gốc các địa danh Sài Gòn xưa trước năm 1975 như Sài Gòn, Gò Vấp, cầu Ông Lãnh, Ngã 5 Chuồng Chó, Ngã tư Bảy Hiền, Hàng Xanh, … có lẽ chỉ một số ít người am hiểu lịch sử mới biết mà thôi

Sài Gòn

Từ đâu có tên địa danh Sài Gòn có lẽ đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi chưa dứt. Tuy nhiên, ý kiến được đa số chấp nhận nhất có lẽ khu Sài Gòn khi xưa chủ yếu là chỉ khu vực Chợ Lớn hay khu Quận 5 ngày nay. Đây là khu vực có nhiều người Hoa sinh sống từ xưa. Ngôn ngữ chính của họ là tiếng Quảng Đông. Người Hoa gọi đây là khu “Xấy Ón” – “Phía Tây bờ kênh hay bờ đê ở phía Tây” nên sau này người Việt đọc ra thành Sài Gòn

Ý kiến khác cho rằng, Sài Gòn khi xưa có một rừng gòn bao bọc khu vực người dân Khmer sinh sống, vì vậy, người ta gọi đất này là Prai Nokor – nghĩa là “thị trấn trong rừng”. Khi phát âm từ “Prai Nokor” đọc chệch từ “Prai” thành “Rai” rồi thành “Sài”, từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và thành “Gòn” nên mới có Sài Gòn như hiện nay. Tuy nhiên, lý thuyết này không được nhiều người ủng hộ do người Khmer sống ở Sài Gòn rất ít mà chủ yếu sống vùng Tây Nam Bộ

Một ý kiến khác cho rằng, trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của có định nghĩa: “Sài tức là củi thổi, gòn là loại cây bông xốp nhẹ, nhẹ hơn bông thường, trong Nam thường dùng để dồn gối, dồn nệm…”. Học giả Trương Vĩnh Ký cũng cho biết khi xưa, có rất nhiều cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính cụ cũng đã thấy loại cây đó. Vậy nên nguồn gốc tên Sài Gòn có thể đơn giản mang nghĩa là “rừng gòn”.

Gò Vấp

Nguồn gốc tên Gò Vấp ra đời bởi trước đây nơi này là một gò đất cao có trồng nhiều cây vắp (đây là loại cây thân gỗ lớn cao từ 15-20m, tán lá dày và rậm, cho nhiều bóng mát). Người dân khu này trồng nhiều cây này để che mát nên sau này đọc chệch âm và viết sai chính tả thành Gò Vấp như hiện này. Ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn còn 2 cây vấp có tuổi thọ trên trăm năm.

Ngã tư Bảy Hiền

Bảy Hiền là một nhân vật có tên thật là Trần Văn Hiền, là một chủ điền nổi tiếng ngày xưa. Tuy giàu có nhưng ông không ngạo mạn, kiêu căng mà lại có lòng thương người. Mỗi khi vào ngày Rằm, ông và người nhà mang 2 thùng tiền ra đặt trước nhà (nay là Trung tâm văn hóa Tân Bình) để phân phát cho dân nghèo chung quanh. Người dân ai cũng yêu quý ông. Có lần, gặp lúc nạn đói xảy ra, dân chen nhau để được phát tiền nên khiến hai đứa trẻ bị giẫm chết. Điều này khiến ông luôn dằn vặt và sau đó không phát tiền nữa. Thay vào đó, ông mang quyển sổ ra ngã tư để ghi chép tên và hẹn thời gian đến nhà nhận. Từ đó ngã tư nơi ông ghi sổ trở thành nguồn gốc của tên Ngã Tư Bảy Hiền. 

Ngày nay Ngã Tư Bảy Hiền là đoạn giao nhau của Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám – Hoàng Văn Thụ

Hàng Xanh

Hàng Xanh là nút giao thông phía Đông nối Q. Thủ Đức với Sài Gòn. Nhiều nhà lịch sử đã ghi chép rằng nguồn gốc tên Hàng Xanh xuất phát từ nơi này có nhiều cây Sanh là loại cây lớn, có nhiều nhánh và lá nhỏ. Trước năm 1965, dọc đường nay vẫn có 2 hàng cây sanh lớn được người dân trồng nên được gọi là Hàng Sanh. Sau này do miền Nam đọc lướt và không đọc rõ nên thành địa danh là Hàng Xanh cho dễ đọc

Ngã tư Hàng Xanh ở Sài Gòn năm 1967
Ngã tư Hàng Xanh ở Sài Gòn năm 1967

Cầu Bông

Cầu Bông nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng thuộc khu vực Đa Kao. Theo một số ghi chép, cây cầu này thoạt đầu do một vị quan Khemer bắt cầu cho dân di lại từ khoảng thế kỷ 18. Nguồn gốc tên cầu Bông xuất phát từ thời Tả quân Lê Văn Duyệt, ông đã xây một vườn hoa gần cây cầu nên dân chúng quen gọi là cầu Hoa. Đến thời vua Minh Mạng, ông này có một bà vợ tên Hồ Thị Hoa nên nhiều người e ngại gọi tên húy sẽ phạm tội nên gọi thành cầu Bông vì người Nam gọi hoa hay bông cũng chỉ cây cỏ

Bến Nghé

Theo Trịnh Hoài Đức ghi chép, Nguồn gốc tên Bến Nghé trước đây là bến nước tụ họp cho trâu con uống nước, do một tên rất cũ là Kompong Krabey (bến trâu) đã được Việt hóa. Nhưng một số nhà nghiên cứu khác ghi rằng, khu vực này ven sông nên có rất nhiều cá sấu sinh sống, chúng hay nổi lên mặt nước, đùa giỡ nhau và kêu như tiếng nghé kêu nên nhiều người đặt tên là Bến Sấu hoặc Bến Nghé

Đa Kao

Nhiều người khi phát âm cứ tưởng Đa Kao là từ tiếng Pháp và do người Pháp đặt. Tuy nhiên, nguồn gốc tên Đa Kao bắt đầu từ tên một vùng đất xưa gọi là vùng Đất Hộ. Vào thời Pháp, một số viên chức người Việt phải phiên âm sang tiếng Pháp để dùng trong hành chính từ đó, tên Đất Hộ bị quên lãng và trở thành tên Đa Kao nay thuộc Quận 1

Ông Lãnh, Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng nghe tên 5 chợ mang tên các bà này. Có giả thuyết cho rằng đây là tên của 5 bà vợ của Lãnh Binh Thăng, là một lãnh binh tên Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), võ tướng nhà Nguyễn thời vua Tự Đức. Địa danh cầu ông Lãnh cũng là từ ông Lãnh Binh nổi tiếng này.

Học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng 5 người phụ nữ được đặt tên chợ ở Sài Gòn này vốn là các bà vợ của ông Nguyễn Ngọc Thăng. Những vị quan đa thê thời xưa thường áp dụng phương pháp kinh tế tự túc nên vị lãnh binh đã lập 5 chợ ở khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà cai quản một cái. Việc này tránh các bà đụng mặt nhau, đồng thời chuyên tâm làm kinh tế.

Về cây cầu mang tên Ông Lãnh, nhà bác học Trương Vĩnh Ký khẳng định “chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác”. Cây cầu này đầu tiên (nối đại lộ Đông Tây ngày nay) bắc qua một con rạch nhỏ. Khi rạch bị lấp, cây cầu mới nối bến Chương Dương (quận 1) và Bến Vân Đồn (quận 4).

Năm 1874, một ngôi chợ được xây ở khu vực này, mang tên chợ Cầu Ông Lãnh. Nơi đây tàu ghe tấp nập từ miền Tây theo sông Sài Gòn vào kênh Tàu Hủ buôn bán. Chợ được chia làm 3 khu vực: bán trái cây, bán cá và bán tạp hóa.

Tuy nhiên trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển lại cho rằng chưa có gì là xác thực khi cho rằng “Ông Lãnh” và 5 người phụ nữ tên : “Bà Chiểu”, Bà Điểm”, “Bà Hom”, “Bà Hạt”, “Bà Quẹo” là vợ chồng. Theo Vương Hồng Sễn, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có thể là tên những người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ. Giống như chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), do người đàn bà tên Hoa đã hiến đất xây chợ và là người đầu tiên buôn bán nên người ta lấy tên bà đặt cho ngôi chợ.

Về tên Bà Hom, có sách chép rằng do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệch thành. Còn tên Bà Quẹo cũng đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì khu này có một khúc cua rất rõ. Từ quẹo vốn cũng được đặt cho nhiều địa danh như Cống Quẹo ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) hay lộ Quẹo tại huyện Cần Giờ.

Thị Nghè

Về nguồn gốc tên Thị Nghè. Theo sách sử ghi chép, quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân có người con gái tên Nguyễn Thị Khánh. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết rằng, “do có chồng là thư ký mỗ cũng là chức ông Nghè, nên người đương thời gọi là Thị Nghè. Do bà khai hoang đất ở, bắc cầu để tiện việc đi lại, nên dân gọi là kênh, cầu Thị Nghè”. Thị Nghè nay là địa danh của cây cầu Thị Nghè, chợ Thị Nghè trước cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn thuộc Quận 1

Ông Tạ

Nguồn gốc tên ông Tạ kể rằng, ở góc đường Phạm Văn Hai – Cách Mạng Tháng Tám quận Tân Bình khi xưa có một ngôi chợ nay là chợ Phạm Văn Hai, gần đó có một tiệm thuốc Nam của một người tên ông Tạ Tên thật của ông Tạ là Trần Văn Bị, hiệu là Tạ Thủ. Ông này là thầy thuốc Nam nổi tiếng bốc thuốc giỏi, giá lại rẻ và thường xuyên giúp người nghèo. Nhiều người ở Nam Kỳ khi xưa nhờ ông chữa mà khỏi bệnh. Do đó, vùng chung quanh tiệm thuốc của ông được gọi là khu ông Tạ để nhớ đến ông

Ngã 5 Chuồng Chó

Nguồn gốc Ngã Năm Chuồng Chó có 2 luồn quan điểm xuất phát nơi đây là khu đạo công giáo nên nhiều người ăn thịt chó và khu này còn có khu chợ chuyên mua và bán chó sống và thịt chó. Khu này còn là nơi giao nhau của nhiều nhánh đường nên được gọi là Ngã Năm Chuồng Chó. 

Quan điểm thứ 2 ghi ghép rằng những năm 1945, người Pháp đã xây dựng một trại nuôi và huấn luyện chó dành cho cảnh sát và quân đội rất lớn ở đây gần khu vực ngã Năm nên được gọi là Ngã Năm Chuồng Chó

Ngã Năm Chuồng Chó sau này được đổi tên thành Ngã 6 Gò Vấp.

Với bài viết nhỏ về nguồn gốc các địa danh Sài Gòn xưa, hy vọng có thể tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả

Leave A Reply

Your email address will not be published.