Phạm Kính Ân – Thái Uý hai triều Lý – Trần

0 468

Thái Úy Phạm Kính Ân làm Thái Uý triều Lý và cũng là một trong những khai quốc công thần triều Trần nên được vua Trần Thái Tôn sủng ái, kính trọng tin dùng.

Họ Phạm ở làng Đặng Xá ( xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà) là một dòng họ phiệt duyệt (có công trạng, từng trải, lịch lãm). Từ đường ở Đặng Xá còn câu đối:

“ Lịch triều quế tịch thư danh đại Phạm, tiểu Phạm

Tính danh thư quốc phổ cập Tiền Lê, Hậu Lê.”

Nghĩa là họ Phạm lớn, họ Phạm nhỏ(ở đây) đã được ghi tên trong lịch sử, tên tuổi của những người họ Phạm từ Tiền Lê đến Hậu Lê được nhiều người biết đến.

Lịch sử ghi nhận cuối thế kỷ thứ X có danh tướng Phạm Cự Lượng, đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi vua, cùng Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược nhà Tống… ông được Hoàng đế Lê Hoàn phong Thái ấp ở Đặng Xá. ghi rằng: “ Ông đã đánh thắng giặc ở dốc Văn nên được phong Thái ấp ở vùng này, đền thờ ông hiện vẫn còn (phần cung thờ), ông được sắc phong “Hồng Thánh Đại vương” họ Phạm Đặng Xá chính là lớp con cháu của ông.

Thời Lê Trịnh ( Hậu Lê), họ Phạm làng Đặng Xá có Phạm Trọng làm Giảng dụ quan trong triều ( chức dạy bảo Hoàng tử, Hoàng Thái tử), làng bị qui án lật đổ chúa Trịnh, dân làng cử cụ Lê Viết Bành, Trần Hữu Dực lên kinh nhờ cụ Phạm Trọng xin xoá án cho làng vì vậy sau này làng có tên là Ân Xá. Một năm làng bị bão lớn đổ nhà cửa, hoa màu bị hại … Cụ Phạm Trọng đã cấp cho mỗi nhà 3-5 gạt thóc, 3-5 cây tre, giúp sửa đình …Dân làng nhớ ơn, mỗi năm làng mở hội thường vào rước chân nhang nơi thờ cụ ra đình làng …

Giữa thời Tiền Lê – Hậu Lê vào Thời Lý – Trần họ Phạm Đặng Xá có bà Phạm Thị Huấn là vợ của Thái phó Lê Điện triều Lý và là mẹ của bà Lê Thị Thái – vợ Thượng Hoàng Trần Thừa, sau được con trai bà ( vua Trần Thái Tông ) phong là Quốc Thánh Hoàng Thái Hậu.

Người nổi trội của họ Phạm làng Đặng Xá cuối triều Lý đầu triều Trần được sử sách ghi chép nhiều phải kể đến Thái uý Phạm Kính Ân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “ Kính Ân là Thái uý quan nội hầu của triều Lý cũ”. Sử sách không ghi rõ công trạng của ông với triều Lý song để làm đến chức Thái uý tổng thống việc binh, ông phải có đóng góp to lớn với triều Lý.

Phạm Kính Ân là người thức thời- ở ông đất nước, dân tộc là cao cả nên thấy triều Lý không đứng vững được khi mà “giặc cướp thả sức tung hoành, dân ở ngoài thành phần nhiều lưu lạc mất nơi ăn chốn ở đều ngầm muốn nổi loạn” ông đã góp công hưng nghiệp triều Trần. Phạm Kính Ân là một trong những khai quốc công thần triều Trần nên được vua Trần Thái Tôn sủng ái, kính trọng tin dùng.

Dưới triều Trần, Phạm Kính Ân vẫn giữ chức quan nội hầu sau 9 năm phục vụ triều Trần, ông được gia phong làm Thái phó (hàng chánh nhất phẩm) sử sách còn ghi rõ: “Giáp Ngọ (1234) gia phong quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái phó tước Bảo trung quan nội hầu. Hai năm sau, năm Bính Thân (1236) lại gia phong quan nội hầu làm Thái uý, ban cho mũ áo Đại vương”. Phạm Kính Ân không phải là người trong Hoàng tộc lại được vua ban mũ áo đại vương, chứng tỏ ông được vua Trần coi ngang hàng với các đại vương trong Hoàng tộc.

Mùa đông năm Bính Tý (1240) người Man phương Bắc đến cướp biên giới, Phạm Kính Ân được cử làm đốc tướng đem quân đi đánh lấy được các động Man rồi về. Thắng trận trở về ông được vua Trần Thái Tôn ban thưởng, ông đem tiền thưởng ấy chia cho quân lính. Phạm Kính Ân ở cương vị Thái uý cho đến lúc ông mất.

Hơn mười năm (1240- 1251) sử không ghi chép thêm gì về ông, nhưng khi mất vua Trần Thái Tôn giao cho bộ Lễ thân làm chủ lễ, ghi công ông là người mở nghiệp. Thái Úy Phạm Kính Ân mất cùng năm tháng với Yên Sinh vương Trần Liễu, sử sách ghi nhận sự ra đi của hai ông: “Tân hợi Thiên ứng Chính Bình lần thứ 20 (1251). Mùa hạ tháng 4 Yên Sinh vương Trần Liễu mất, thọ 41 tuổi gia phong Đại vương.

Ngay từ lúc ông còn sống, Kính Ân đã được các đại thần và quân sỹ ca ngợi là người liêm chính, với dân làng tổng Đặng Xá có một trang mang tên ông- Trang Kính Ân (nay thuộc làng Ân Xá, xã Phú Sơn).

Leave A Reply

Your email address will not be published.