Khi Đồng Minh Tháo Chạy : Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – P2

0 100

Sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy này dựa vào một phần cuốn Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập và vào những nghiên cứu thêm của tác giả trong mười năm qua. Trong cả hai cuốn, ngoài phần tài liệu, chúng tôi đã bổ sung bằng những phỏng vấn với các viên chức hữu trách cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ, đặc biệt là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (tại London và Boston), Tổng Thống Gerald Ford, Ngoại Trưởng Henry Kissinger, Tướng Alexander Hai, Tướng John Murray, các Tổng Trưởng Quốc Phòng liên hệ như James Schlesinger, Melvin Laird, Elliot Richardson và các viên chức cao cấp Cơ Quan Tình Báo CIA. Tổng Thống Richard Nixon khi còn sống đã từ chối cuộc phỏng vấn vì lý do sức khỏe.

Điều mà cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy muốn nhấn mạnh, nhất là cho người Việt Nam chúng ta rõ, là cung cách mà một số chính khách Hoa Kỳ, đặc biệt là ông Kissinger, và phần nào, hai ông Nixon, Ford cũng như một số Nghị Sĩ, Dân Biểu với con mắt thiển cận, đã hành xử đối với nhân dân Miền Nam. Nó phản bội nguyên tắc ‘’minh bạch’’ (transparency) của thể chế Dân Chủ, và đi ngược lại tinh thần công bình của đại đa số nhân dân Hoa Kỳ. Trong bóng tối, trước hết hai ông Kissinger và Nixon đã dùng thủ đoạn ép buộc Miền Nam đi theo đường lối của mình, mục đích chính chỉ là để cho Quân Đội Mỹ rút đi, và tù binh được thả về. Khi Chính Phủ Miền Nam phản kháng thì đe doạ với ‘’cái gậy’’ (đảo chánh và cắt viện trợ), và hứa hẹn với ‘’củ cà rốt’’ (bảo đảm hòa bình và viện trợ đầy đủ).

Hứa hẹn xong thì lờ đi, giấu cho thật kỹ. Quốc Hội không biết gì hết nên đã cắt giảm viện trợ một cách quá nhanh và quá thẳng tay. Hóa ra, củ cà rốt chỉ là một công cụ che giấu một kế hoạch gọi là ‘’khoảng thời gian coi cho được’’. Kế hoạch này chỉ nhằm ban phát cho Miền Nam Việt Nam một thời gian ngắn ngủi, một khoảng cách từ khi Mỹ rút hết cho tới khi sụp đổ. Trước khi cuốn sách này lên khuôn, một nhân chứng về những hành động hắc ám của ông Kissinger, ông John Negroponte vừa được Tổng Thống George Bush trao phó chức vụ Điều khiển toàn bộ tình báo Hoa Kỳ. Ông là liên lạc viên giữa Kissinger và phái đoàn Bắc Việt tại mật đàm Paris. Ngày 19 tháng Hai, 2005, tờ Boston Globe có bài viết về ông này và bình luận: ‘’tuy hồi đó Negroponte chỉ là nhân viên cấp dưới, ông đã có tinh thần rất độc lập và đã phản đối Kissinger về việc chấp nhận để quân đội Bắc Việt đóng lại Miền Nam, cho rằng như vậy là đưa Miền Nam tới chỗ sụp đổ và hành động này có nghĩa là đã bỏ rơi Đồng Minh của Hoa Kỳ. Ông Richard Holbrooke (Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thời Tổng Thống Clinton, và là bạn đồng liêu với Negroponte lúc còn ở Hội Đồng An Ninh Quốc
Gia) có nói rằng chính vì Negroponte đã chống lại Kissinger mà bị hạ tầng công tác trong gần suốt thập niên 1970’’.

Đối với Miền Nam, ngay trước lúc sụp đổ hoàn toàn, ông Kissinger còn thốt lên: “Sao chúng không chết phứt cho rồi?”. Sau đó, kế hoạch tháo chạy dược thiết kế lúc đầu căn bản chỉ là để di tản 6.000 người Mỹ và một số rất ít người Việt. Cho dù nhiều người có thể biện luận rằng việc giải kết khỏi Miền Nam là điều có lợi cho nước Mỹ đi nữa, nó cũng chỉ là ích lợi đoản kỳ, ở vào thời điểm đó thôi. Trong trường kỳ, việc bỏ rơi, nhất là cung cách tháo chạy đã làm tổn hại rất nhiều tới ‘’mức độ tin cậy’’ (credibility) của chính sách ngoại giao cũng như uy tín Hoa Kỳ. Bạn thì bớt tin tưởng, thù thì hết kính nể. Sau Việt Nam, vào tháng 10.1979, Iran đã táo tợn đến độ bắt ngay cả nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ ở Teheran làm con tin hơn một năm. Rồi từ đó, bao nhiêu vụ tấn công vào người và tài sản của Mỹ. Liệu những hành động của Saddam Hussein, Al-Qaeda, biến cố gây nổ tàu Cole ở Qatar, hay sự cố 11.9 có phải là những hậu quả của việc coi thường Hoa Kỳ hay không? Bởi vậy, về lâu về dài, cái giá phải trả chắc chắn đã không phải là thấp.

Tất cả những sự việc ở hậu trường bang giao Việt-Mỹ trong giai đoạn từ khi Mỹ tháo gỡ cho tới lúc bỏ chạy được rất ít người biết tới. Lý do là vì: Về phía Mỹ, hồ sơ mật về Việt Nam trong giai đoạn này đã được giấu kín trong văn phòng Cố Vấn Kissinger tại Tòa Bạch Ốc, và về phía Việt Nam Cộng Hòa, nó được hoàn toàn bảo mật trong văn phòng riêng của Tổng Thống Thiệu tại Dinh Độc Lập.

Nhiều tác giả nổi tiếng của Mỹ về vấn đề Việt Nam cũng đã phải bình luận về việc này. Trong cuốn Uncertain Greatness, chính ông Roger Morris, nhân vật quan trọng trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council) (NSC) do ông Kissinger điều khiển, đã phàn nàn: ‘’Dù rằng nó là một vấn đề được viết và bàn luận nhiều nhất trong chính sách ngoại giao, nhưng hồ sơ của Nixon-Kissinger về Đông
Dương trong nhiều phương diện đã ít được hiểu biết nhất…Sự việc mà dưới thời Johnson là một mạng rối rắm giữa các động lực hành chính ở Sài Gòn và Washington…bây giờ hầu như đã trở nên một sự khống chế của chỉ hai bộ óc trong Tòa Bạch Ốc (Kissinger và Nixon)’’.

Một tác giả nổi tiếng khác, ông Leslie Gelb trong cuốn The Irony of Vietnam: The System Worked, đã viết: ‘’Câu chuyện về chính sách Việt Nam dưới thời Richard Nixon và Gerald Ford là một chủ đề quan trọng…nói về việc Hoa Kỳ đã rút ra chứ không phải đã nhảy vào Việt Nam như thế nào… (thế nhưng) những nguồn tài liệu cần thiết để phân tích giai đoạn từ sau 1968 chắc sẽ không có được trong một thời gian nữa’’.

Hy vọng rằng cuốn sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy sẽ lấp được phần nào cái lỗ hổng này của lịch sử. Âu cũng do định mệnh mà người viết được chứng kiến một số sự việc xảy ra tại Dinh Độc Lập cũng như tại Bộ Quốc Phòng và Quốc Hội Hoa Kỳ trong những ngày tháng đầy tuyệt vọng. Trước hết với tư cách là một Phụ Tá Tổng Thống, rồi Tổng Trưởng Kế Hoạch trong Nội Các. Là người điều hợp viện trợ trên bình diện kinh tế toàn quốc người viết làm việc trực tiếp với Tổng Thống Thiệu trong những ngày tháng cuối cùng. Trong cương vị này, hồi 1974-1975 nhiều lúc chúng tôi đã phải dẹp bỏ tự ái, lui tới Quốc Hội Hoa Kỳ như một người đi cầu xin.

Xem lại : sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy : Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – P1

Leave A Reply

Your email address will not be published.