Phụ Hảo – Vị vương hậu thần bí nhất trong lịch sử Trung Quốc

0 366

Năm 1976, Trung Quốc đã tìm ra mộ của vương hậu Phụ Hảo 婦好 – Đây được xem là vị vương phi thần bí nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc 

Ngày 17 tháng 5 năm 1976, trong khu vực tông miếu của cung điện Ân Khư tại An Dương, Hà Nam, mộ của Phụ Hảo được khai quật. Ngôi mộ này rộng hơn 20m vuông, diện tích này không lớn lắm so với các ngôi mộ trong Ân Khư. Đào thẳng xuống theo chiều dọc, đi qua 6 lớp đất thì nhìn thấy nước ngầm dưới lòng đất, quan tài của Phụ Hảo ở trong lớp nước ngầm đó, có độ sâu 8 mét so với mặt đất. Từ trên xuống dưới giống như là 7 tầng lầu, quan tài nằm ở dưới tầng thấp nhất. Mỗi một tầng đều có vật tùy táng, nhưng những đồ đồng xanh loại lớn, đồ bằng ngọc quý giá nhất hầu như đều nằm ở tầng quan tài. Vật tùy táng đào ra được có tổng cộng 1.928 món, trong đó có 468 món đồ đồng xanh, 755 món đồ bằng ngọc, 564 đồ bằng xương, còn có 6.800 vỏ sò, thời xưa nhà Thương dùng vỏ sò làm tiền tệ. Số lượng của vật tùy táng rất lớn, chủng loại đa dạng, hiếm có trên đời, kỹ thuật thủ công tinh xảo thật đáng kinh ngạc. Một vương triều xa xưa mà lại có kỹ thuật thủ công phát triển như vậy, khiến cho một số học giả hiện đại cảm thấy thật khó mà tưởng tượng nổi.

Trong mộ Phụ Hảo có một bộ đồ nghi lễ đồng xanh hoàn chỉnh. Có 190 món đồ đồng xanh có chữ, trong đó có 109 món có khắc chữ “phụ hảo” hoặc “hảo”. Còn có hai chiếc đỉnh lớn bằng đồng xanh, thành đỉnh phía trong có khắc ba chữ “hậu mẫu tân”.

“Tân” là miếu hiệu của Phụ Hảo, các hậu nhân của vương triều nhà Thương tôn xưng bà là “mẫu tân”, “tỉ tân”, “hậu mẫu tân”. Đỉnh hậu mẫu tân là đồ nghi lễ đúc bằng đồng xanh được ra đời sớm nhất với mục đích để cho con cái cúng tế mẹ mình, đỉnh hậu mẫu tân được đào lên, cũng giúp các nhà sử học giải đáp được câu đố về thân phận của đỉnh hậu mẫu mậu – tên cũ là đỉnh “ti mẫu mậu”.

Mộ của vương hậu Phụ Hảo có bốn cây việt (1 loại rìu cổ) bằng đồng, trong đó có hai cây việt đồng to chạm khắc hình con rồng và con hổ nặng khoảng 9kg, phía trên có hai chữ “phụ hảo”. Hình dáng của cây việt đồng trông giống một cây rìu to, trong thời kỳ Thương – Chu chỉ có vua hoặc vương tộc, thống soái nắm giữ quyền lực tối cao mới được sử dụng cây việt đồng. Khi Thương Thang chinh phạt Hạ Kiệt, Chu Vũ Vương chinh phạt Trụ Vương, trong tay cầm cây việt vàng chính là việt đồng xanh. Phủ việt (rìu và việt) tượng trưng cho vương quyền, chữ “vương” trong chữ Hán ngày nay chính là được hình thành từ chữ phủ việt trong giáp cốt văn. Kích cỡ của việt đồng càng lớn thì tạo hình càng tinh xảo đẹp mắt, đại diện cho thân phận của chủ nhân càng cao quý, quyền lực càng lớn.

Bốn cây việt đồng của vương phi Phụ Hảo thể hiện rằng bà có uy nghi và quân quyền rất cao. Thông thường cây việt đồng to dùng làm đồ vật nghi lễ, chứ không dùng làm vũ khí. Cây việt đồng nhỏ có lẽ là vũ khí mà bà từng sử dụng. Ngoài ra, còn có hơn một trăm món binh khí cùng với hơn 150 món đồ đựng rượu, trong đó vừa có đồ vật nghi lễ, vừa có đồ dùng thường ngày. Nếu như nói dựa trên những thứ này vẫn không thể nào suy đoán Phụ Hảo là một thống soái có võ nghệ cao cường, vậy thì nhìn vào chiếc nhiếp ngọc xanh mà bà từng đeo – đây cũng là nhiếp được phát hiện sớm nhất.

Phụ Hảo – 婦好 thuộc tầng lớp trí thức cao cấp nhất trong thời đó, cũng là vị nữ thống soái bất khả chiến bại, đồng thời là vương hậu đầu tiên được phong thụy hiệu sau khi chết, nhưng lại không được ghi chép trong chính sử. Mộ của bà trải qua thời gian 3.200 năm, gây chấn động thế giới vì là báu vật cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn. Vì thế, danh tiếng của bà mới được tỏa sáng một lần nữa cùng với nền văn minh huy hoàng. Người đời sau không ai có thể hội tụ tất cả ánh sáng của người phụ nữ này. Nói bà là vương hậu không ai trên thế giới có thể sánh được thì cũng không quá đáng chút nào. Vậy người phụ nữ này là ai? Bà chính là vương hậu vĩ đại của nhà Thương, vương hậu “Phụ Hảo” của Vũ Đinh.

Vũ Đinh chính là quân vương thứ 23 của nhà Thương, tại vị 59 năm (năm 1250 TCN đến năm 1192 TCN), dưới thời của ông, chính trị rõ ràng, thế lực quốc gia lớn mạnh, được gọi là “Vũ Đinh thịnh thế”, lại gọi “Vũ Đinh trung hưng”. Trong “Sử Ký” có ghi chép: “Vũ Đinh cai trị đất nước bằng nhân đức, thiên hạ vui mừng, phục hưng Ân Thương”.

Cha của Vũ Đinh là Tiểu Ất, ông là người em trai thứ tư của Thương vương Bàn Canh. Bàn Canh là chủ nhân của sự kiện “Bàn Canh thiên Ân” (Bàn Canh chuyển kinh đô về Ân) trong “Thương triều đại sự ký”. Vì vậy, nhà Thương còn được gọi là Ân Thương, người Thương còn gọi là người Ân (Ân thuộc vùng An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay). Sau khi Bàn Canh qua đời, em trai là Tiểu Tân lên ngôi, được ba năm thì chết. Tiểu Ất chưa từng nghĩ sẽ thừa kế vương vị thì bỗng nhiên được trở thành quốc vương.Vương thất quý tộc thời bấy giờ rất xem trọng sự tu dưỡng đạo đức và văn hóa. Khi Vũ Đinh còn nhỏ đã bị cha mình là Tiểu Ất đưa đến dân gian để rèn luyện. Trong suốt thời gian lưu lạc chốn dân gian, Vũ Đinh không nói ra huyết thống vương tử của mình, ông thầm lặng học nhiều loại lao động và kiến thức giống những người bình khác, phải trải qua rất nhiều cực khổ, điều này đã tạo nên khí chất và tài đức phi thường của ông. Vũ Đinh hiểu rõ rằng thuận theo ý trời mà làm thì mới là gốc rễ của phước báo, sau khi Vũ Đinh lên ngôi, ông luôn lễ kính thần linh, chuyện gì cũng bói quẻ cầu trời. Tuyển chọn người có tài để trọng dụng, quan tâm nỗi cơ cực của dân, bình ổn bốn phương, khai sáng thời kỳ huy hoàng thịnh thế. Vũ Đinh đã từng nằm mơ thấy một vị thánh nhân, thế là ông dựa theo chỉ dẫn trong mơ tìm được Phó Thuyết từ trong số nô lệ xây dựng nhà cửa, sau đó phong cho Phó Thuyết làm tể tướng, thiên hạ được bình yên ổn định. Câu chuyện này trở thành giai thoại lưu truyền ngàn năm để khích lệ quân chủ và thần tử.

Vũ Đinh là một người đàn ông có tài năng và hoài bão lớn, người phụ nữ mà cả đời ông luôn thương nhớ chính là vị vương hậu đầu tiên của mình, tức vương hậu Phụ Hảo. Phụ Hảo vì Vũ Đinh mà đến, cũng giống như Vũ Đinh vì phục vương vương triều nhà Thương mà đến, số phận và sự hòa hợp của hai người họ đã biến thành ánh sáng vinh quang của lịch sử, bốn chữ “trời sinh một cặp” dường như vì họ mà tác thành. Như vậy xem ra, phải chăng việc khai quật mộ hoàng hậu Phụ Hảo trong thời hiện đại cũng là một sự sắp đặt của ông trời hay không? Phụ Hảo xuất hiện trở lại bằng hình thức đặc biệt, giống như đến nói với con người rằng: Một thời kỳ thịnh thế xa xưa trong truyền thuyết đã từng tồn tại chân thật như thế nào, một người phụ nữ đã từng dùng năng lực phi phàm như thế nào để phò tá một vị quân vương tốt mở ra thời kỳ thịnh thế.

Nhiếp là nhẫn đeo ngón cái. Người cưỡi ngựa bắn cung thường đeo vào ngón tay cái bên phải, có tác dụng bảo vệ tay khi kéo dây cung. Nhẫn ngón cái của thời nay chính là được phát triển từ nhiếp, nhưng tính chất không giống nhau. Nhiếp ngọc của Phụ Hảo được chế tác rất tinh tế, bên dưới hình mặt thú ở mặt chính có hai cái lỗ tròn, dùng để xuyên dây buộc cố định, phần rãnh phía sau có dấu vết do dây cung tạo ra. So sánh đường kính của nhiếp ngọc, cộng thêm rất nhiều đầu mũi tên và dụng cụ hộ cung, đoán chắc Phụ Hảo là một vị nữ tướng giỏi bắn cung có thân hình cao lớn.

Tài năng quân sự của Phụ Hảo không phải tầm thường, cứ ra trận là đánh thắng, giống như một chiến thần. Trong giáp cốt bốc từ (văn tự về chiêm bốc, bói quẻ được ghi chép trong giáp cốt) có ghi chép lại rất nhiều chiến công liên quan đến Phụ Hảo đông chinh tây phạt: Rất nhiều quốc gia như Thổ Phương, Ba Phương, Thi Phương, Di Phương đều lần lượt bị quân đội của bà chinh phục. Cuộc chiến có quy mô lớn nhất là cuộc chiến với Khương Phương tây bắc. Trong giáp cốt bốc từ có một câu: “Tân tý bốc, tranh chinh: đăng Phụ Hảo tam thiên, đăng tộc vạn, hô phạt Khương” (tạm dịch: quẻ tân tý, hỏi chiến tranh: Phụ Hảo dẫn ba ngàn quân, cùng một vạn người, hô hào đi chinh phạt Khương Phương). Phụ Hảo thống lĩnh một vạn ba ngàn người, tương đương với một nửa binh lực của nhà Thương xuất chinh. Giành chiến thắng hoàn toàn trong trận đánh này. Có người ví cuộc chiến này giống như Hoàng Đế chiến thắng Xi Vưu, giúp Thương triều Trung Hoa kiên cố vững chắc.

Thương Vương và vương hậu của mình bất khả chiến bại, võ công của nhà Thương đạt đến đỉnh cao, lãnh thổ rộng lớn, khắp nơi đến triều bái. Trong số các cố cống phẩm mà họ mang đến có những đồ bằng ngọc được tìm thấy trong mộ của Phụ Hảo. Kiểm tra bằng khoa học công nghệ hiện đại cho thấy, đồ bằng ngọc của Phụ Hảo có rất nhiều loại chất liệu khác nhau, phần lớn là ngọc Tân Cương. Từ đó cho thấy, thời thịnh thế của Vũ Đinh ảnh hưởng đến một bộ phận lãnh thổ rộng lớn.

Leave A Reply

Your email address will not be published.