Trận đánh Hà Nội và tướng Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết năm 1873 – P2

0 457

Sau khi thất bại ở trận thành Hà Nội năm 1873, tướng Nguyễn Tri Phương đã tuẫn tiết. Tuy nhiên cái chết của ông vẫn còn nhiều uẩn khúc và có khả năng do vua Tự Đức đã bức bách ông

Sau khi bốn tỉnh quan yếu của Bắc Kỳ thất thủ, vua Tự Đức gửi ra Hà Nội hai phái đoàn, một do Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hiệp dẫn đầu. Phái đoàn thứ hai do đại thần Nguyễn văn Tường đi cùng với Philastre theo tàu chiến Pháp.

Châu bản tập 156, tờ 49, ngày 12/10, năm Tự Đức 26 (bản Phụng mật dụ của Cơ Mật viện) chép: Căn cứ vào việc phía Pháp là Garnier đưa thư đến xin đặt lại quan chức mới và họ không có ý định chiếm thành trì. Đã dụ chuẩn cho tân Tổng đốc Hà – Ninh là Trần Đình Túc, tân Tuần Phủ Hà Nội là Nguyễn Trọng Hợp cùng các quan chức: Bố chánh, Án sát, Đề lĩnh Hà Nội nhận chức, nhân đó thương thuyết với Garnier về việc thông thương, sớm chất dứt chiến tranh giữa hai bên.

Quốc triều chính biên toát yếu trang 193 viết :

Tháng 11 (âm lịch), quan Tổng đốc mới Hà Ninh là Trần Đình Túc, tuân lời chỉ chuẩn, trước đương bệnh cũng gắng đi cùng quan tuần phủ mới là Nguyễn Trọng Hiệp, lãnh binh Hoàng Đồn Diên, giám mục Bình, linh mục Đăng cũng đều tới một lần, An Nghiệp (Françis Garnier ) rước vào thành thương thuyết.

Tướng Nguyễn Tri Phương tự vẫn và mất ngày 20/12/1873, sau khi được tiếp xúc với phái đoàn Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hiệp. Cuộc gặp gỡ này chắc chắn có liên quan đến tâm tư suy nghĩ của nguyên soái Phương.

Lúc này, ông vẫn nguyên giữ chức Tuyên sát đổng sức đại thần, chức vụ được vua Tự Đức phong khi cử ông cử ra xem xét trị an ở Bắc Kỳ tháng 7/1872. Trong số tù binh bị Pháp bắt cùng Nguyễn Tri Phương còn có hai con trai của đại thần Phan Thanh Giản (1796-1867)

Trước đó, sau khi thất bại và mất đồn Kỳ Hòa dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, Việt sử tân biên chép :

”Cuộc bại trận của Nguyễn Tri Phương lúc này làm Triều đình Huế như điên dại. Tự Đức tức tốc phái Nguyễn Bá Nghi làm khâm sai đại thần, Tôn Thất Đính làm đề đốc mang 4000 lính vào Biên Hòa tiếp viện và lập hội đồng nghị tội những kẻ chiến bại để nghiêm quân luật. Đồng thời có lệnh xuống cho các tướng địa phương thu nhặt tàn quân để bảo vệ các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên, Biên Hòa.”

“Đình nghị chiểu luật ”Bất cổ hủ” giải chức Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Tôn Thất Cáp và trảm giam hậu các quan dự vào chiến cuộc và các tỉnh thần đều bị bãi chức, nhưng Tự Đức cho hưởng giảm khinh là lấy công chuộc tội vì trước kia họ đã khó nhọc nhiều từ ngày quốc biến. Rồi chỉ thị giáng Nguyễn Tri Phương xuống tham tri, Phạm Thế Hiển lang trung, Tôn Thất Cáp xuống Viên ngoại và các liên thuộc cũng được ân giảm theo.’‘ (Việt Sử Tân Biên, quyển 5, trang 144).

Quý Dậu, Tự Đức năm thứ 26 [1873], tháng 7, chỉ vài tháng trước sự kiện trận thành Hà Nội 1873, Tự Đức lại khiển trách Nguyễn Tri Phương rằng:

‘Ngươi vâng mệnh đến các quân thứ và các tỉnh ở Bắc Kỳ, Tuyên sát đổng sức đã lâu ngày, từ đấy đến nay chưa thấy làm được việc gì, các quân thứ và các tỉnh đoàn kết thổ dõng, chỉ thấy hư ứng không thấy có việc gì thực hành, thì gọi là tuyên sát đổng sức ở chỗ nào? (ĐNTL).

Có thể thấy, đình thần và vua Tự Đức có phần không nương tay với tướng Nguyễn Tri Phương. Hoạn lộ của ông thăng trầm, lên lên xuống xuống, điều đó ảnh hưởng không ít đến tâm tư và hành động của ông trong năm định mệnh gọi tên 1873.

Lần này lại thêm chuyện chủ quan để mất Hà Nội, giáng thêm một đòn nặng vào tâm tư của nguyên soái Phương ?

Những tin tức từ Huế do các đại thần Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp một vị thư ký của vua Tự Đức không mang lại điều gì tốt lành cho nguyên soái Phương.

”Nguyễn Thứ phải chém lập tức; Phạm Đăng Tuấn, Bùi Văn Thú phải thắt cổ ngay, Đỗ Phát, Doãn Khuê xử phải phạt trượng và phát lưu.”

”Thự đốc Bùi Thức Kiên phải trảm giam hậu, và tước bỏ tên ở bia, sổ tiến sĩ; Đại thần Nguyễn Tri Phương cách mất chức hàm, còn án trảm giam hậu mãi; Đề đốc Đặng Văn Siêu phải trảm giam hậu ; Bố chính Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm, Phó lãnh binh Lê Tiến Khoa xử giảm xuống phải phạt trượng và phát lưu;”

Theo định nghĩa của GS Đỗ Văn Ninh, viện phó Viện sử học Việt Nam trong sách ‘Từ điển chức quan Việt Nam’, Nguyễn Tri Phương với hàm ‘Khâm mạng’ là người có quyền được phép thay mặt vua quyết định tại chỗ. Chức vụ cao hơn khâm sai và khâm phái.

Trần Đình Túc trước đó chỉ là Tán lý quân thứ Tuyên Quang, một ‘chức quan phụ trách tham mưu khi cần thiết ‘ (Đỗ văn Ninh. Sđd-CQVN, trang 484). Vậy mà Túc lại được vua tin cậy, cử ra thế chỗ một nguyên soái lớn, vốn được quyền ‘chém trước tâu sau’, là sự sỉ nhục với một công thần đầu triều như nguyên soái Phương ?

Trong sách của Pháp miêu tả ngày 21/12, khi tiếp Trần Đình Túc tại chính hành dinh nơi tướng Phương mất, Garnier tỏ ra rất tức giận. Đáng tiếc là, cùng ngày đó, cả Balny, Garnier đều chết trận, nên những trao đổi giữa họ với phái đoàn Huế không được ghi lại.

Những chỉ thị thiếu tầm nhìn thực tế, cách chức tại trận Nguyễn Tri Phương của vua Tự Đức đã mang lại những suy nghĩ tiêu cực cho vị nguyên soái già đầu bạc? Người đã trải qua ba đời vua vẫn vác gươm đi giúp nước, em ruột và con trai đều hy sinh trên trận tiền đã không được hiểu và trân trọng nên tìm cho mình lối thoát tiêu cực?

Đại Nam liệt truyện chính biên viết :

‘Lúc sắp chết, Phương tắm gội, thay áo, thần sắc vẫn không thay đổi. Phương tuyệt thực từ ngày 1 tháng 10, đến ngày 1 tháng 11 (âm lịch), đầy 1 tháng mới chết, thọ 74 tuổi“.

Người tuyệt thực cả một tháng ở tuổi 74 không thể tự chọn cho mình ngày đi. Đây là một thực tế. Phải chăng ông chọn ra đi vì bị vua Tự Đức đối xử bất công?

Việc ông tắm gội, thay quần áo rồi đi, được coi như một hành động lễ sống vua.

Triều đại vua Tự Đức đã mang tai tiếng sau sự ra đi của Phan Thanh Giản (1796-1864), nếu phải chịu thêm tiếng xấu là đẩy Nguyễn Tri Phương tự tìm cái chết sẽ mất thêm uy tín vốn đang đi xuống. Có phải vì vậy mà tướng Phương đã được giải thích vì giận Pháp quyên sinh ?

Vua Tự Đức đã phán xử nguyên soái Phương với những dòng nặng nề như dành cho một tội đồ đã bẻ gẫy ý chí của vị tướng già.

“Nguyễn Tri Phương, Đoàn Thọ còn có thể khen về tiết nghĩa, còn không có công lao tài năng thu chuyển, mà mượn cớ trốn trước, thì chỉ là giữ lấy thân mà thôi ; dẫu có trăm miệng muôn đời cũng không thể khỏi tội được, đâu đáng kể đến làm gì?”

Một dòng viết sử Việt Nam sau này tiếp tục ‘tinh thần Tự Đức’, thắng thì không sao, thua thì coi như tội đồ, nhận hết cả trách nhiệm cho chiến lược sai của vua, của lãnh đạo.

Tác giả : Cao Phong

Xem lại : Trận đánh Hà Nội năm 1873 và câu chuyện tướng Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết năm 1873 – P1

Leave A Reply

Your email address will not be published.