Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazin của Nga – P2

0 109

Quân Mãn Thanh của Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazin của Nga đều được dặn kỹ là không được giết người dân thường mà phải thu phục nhân tâm

Tướng Langtan tuyên bố với người Nga rằng, sự kiên nhẫn của nhà Thanh có hạn. Nếu sớm đầu hàng, người Nga sẽ được đối xử tử tế. Ngược lại, họ sẽ bị trừng phạt, thậm chí là mất mạng. Một lần nữa, người Nga chọn đối đầu. Họ quyết tâm “giữ pháo đài cho tới khi cạn kiệt lương thực, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng”. 

Trận chiến chính thức bắt đầu ngày 18/7/1686. Các tư liệu Trung Quốc và châu Âu đều thống nhất một điểm: Cả 2 lần quân của Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazin của Nga, nhà Thanh nhiều lần cố xuyên phá các bức tường bảo vệ Albazin nhưng thất bại. Tuy số lượng người và vũ khí đều thua thiệt nhưng quân Nga ở Albazin vẫn làm khó quân Thanh. 

Các tư liệu từ cả hai phía cũng thống nhất rằng, những tuần đầu tiên của cuộc vây hãm, quân Thanh tấn công kịch liệt nhiều đợt, kết hợp nhiều đòn đánh khác nhau, nhưng bị đẩy lui. Ví dụ, sử sách nhà Thanh ghi rằng, ngày 23/7/1686, tướng Langtan ra lệnh tấn công Albazin theo 2 hướng vào ban đêm. Từ hướng bắc, Langtan giám sát các cuộc bắn phá bằng hồng di pháo, nhưng đây chỉ là đòn nghi binh. Cánh quân chủ đạo do tướng lĩnh của Langtan dẫn đầu tấn công từ hướng nam, tập trung phá các bức tường bảo vệ nhưng thất bại. 

Ngược lại, các tài liệu của Nga ghi rằng: “Quân Thanh liên tục nã đạn vào Albazin từ một hướng rồi bất ngờ tiến đánh từ hướng khác. Khói bụi mù mịt che lấp mọi thứ. Quân Thanh không thể làm gì khác, đành phải rút lui theo từng nhóm nhỏ”.

Căn cứ vào các tư liệu ở Nga, nhà sử học nổi tiếng người Đức G. F. Müller (1705–1783) viết rằng: “Người Trung Quốc định đánh nhanh như vũ bão nhưng lại chịu tổn thất lớn và bị đẩy lui”.

Sau đó, người Nga đáp trả bằng các cuộc phản công quyết liệt. Nhiều quân lính nhà Thanh của hoàng đế Khang Hy bị bắt làm tù binh. “Trong những cuộc phản công, quân Nga thiệt hại không nặng nề như quân Thanh. Ví dụ, một cuộc phản công của quân Nga khi đó giết chết 150 quân lính nhà Thanh, trong khi phía Nga tuyên bố mất 21 người. 

Hoàng đế Khang Hy lúc này chiêu hàng được đội binh người Hán trung thành dưới triều Minh do Trịnh Thành Công lãnh đạo. Đội binh này chuyên dùng kiếm và khiên bằng những sợi mây nên chiến đấu cực tốt. Khang Hy đã phái tướng Lâm Hưng Châu cùng tướng Hà Hữu mang 500 binh sĩ đến tăng cường cho tướng Langtan.

Không thể đánh nhanh, diệt gọn, quân Thanh liên tục thay đổi chiến thuật nhưng lần nào cũng gặp khó khăn. Một lần, quân của Langtan chuyển từ tấn công ban ngày sang bắn phá Albazin suốt đêm. “Tuy nhiên, các bức tường vẫn trụ vững”, sử sách nhà Thanh ghi lại. 

Ngày 27/7/1686, tướng Langtan phát động cuộc tấn công ban đêm nhằm chiếm tuyến phòng thủ phía nam của pháo đài Albazin. Cuộc tấn công vẫn thất bại như những lần trước. 

Sau lần đó, Langtan áp dụng kế sách khác. Vị tướng nhà Thanh cho xây công sự gần bờ sông chảy ngang qua Albazin để áp sát các bức tường của pháo đài Albazin. Tuy nhiên, người Nga bắn phá quyết liệt để ngăn cản. Quân Thanh cố gắng xây dựng xong công sự trong đêm rồi rời đi trước khi trời sáng. Mục đích là để dụ người Nga ra. Một số lượng nhất định quân Thanh mai phục sẵn trong các công sự. 

Kế hoạch của Langtan phần nào có hiệu quả. Lợi dụng màn sương, quân Nga định tới phá hủy công sự nhưng không ngờ trúng kế mai phục của quân Thanh. Sau cuộc giao tranh, người Nga rút lui về pháo đài Albazin. Hai ngày sau, họ lại ra tập kích.

Những lần như vậy, sử sách nhà Thanh ghi rằng người Trung Quốc đều giành chiến thắng vì người Nga lần nào cũng bị đẩy lui và buộc phải rút về Albazin. Nhưng các tài liệu châu Âu lại ghi khác. Theo đó, mục đích các cuộc tập kích của quân Nga là để phá hủy công sự của quân Thanh chứ không phải để giữ các vị trí bên ngoài tường bảo vệ. Nếu xét theo khía cạnh này, quân Nga ở Albazin đã thành công.

“Bằng việc sử dụng đại bác và tập kích, người Nga ở Albazin đã phá hủy phần lớn công sự của quân Thanh. Nhà Thanh xây công sự với 2 lớp lá chắn. Lớp đầu tiên bị bắn cháy, còn lớp thứ hai cũng bị bom mìn loại nhỏ phá tan”, các tư liệu châu Âu ghi lại.  Mỗi lần nhà Thanh xây dựng công sự, người Nga lại tới phá bằng đại bác hoặc tập kích. Điều này buộc quân Thanh phải chuyển tới vị trí mới. Sau nhiều nỗ lực, tướng lĩnh nhà Thanh mới thiết lập được các công sự. 

Đầu tháng 8/1686, tướng Langtan trực tiếp cầm quân tiến đánh Albazin. Quân Thanh đào một hào dài và thiết lập các công sự gần Albazin. Nhưng các công sự và con hào này không dùng để đánh chiếm Albazin, mà là để chặn tuyến đường thủy của người Nga ở con sông gần Albazin. Quân Nga dùng bè vượt sông để đánh úp quân Thanh nhưng bị đội quân dùng gươm và khiên của tướng Lâm Hưng Châu đánh bại mà không bị tổn thất người nào

Từ đánh nhanh thắng nhanh, Langtan chuyển sang bao vây để người Nga ở Albazin cạn kiệt lương thực, đạn dược. Hệ thống hào và công sự của nhà Thanh ngày càng mở rộng. Tài liệu của Nga có ghi: “Người Trung Quốc đã củng cố và xây dựng các công sự, với 3 khẩu đại bác và 15 khẩu súng nhỏ ở mỗi công sự. Họ cũng đào hào và các nơi trú ẩn khác”. 

Các cuộc tấn công sau đó của nhà Thanh diễn ra với quy mô lớn. Tới cuối tháng 8, tướng lĩnh của Langtan đã phong tỏa toàn diện Albazin. Tới đầu tháng 10, nước sông bị đóng băng vì nhiệt độ hạ thấp. Có thể đi lại trên mặt sông đóng băng nhưng người Nga ở Albazin không thể ra ngoài vì quân Thanh đã xây một pháo đài ở bờ đối diện. Ba mặt còn lại của Albazin, quân Thanh cũng đào hào và bố trí công sự vây hãm. Người Nga ở Moscow đã cử một số lính ngự lâm tinh nhuệ tới giải vây cho Albazin nhưng thất bại. Quân Thanh đã kiểm soát toàn bộ khu vực. 

Người Nga ở Albazin bắt đầu chết dần. Khi cuộc vây hãm của nhà Thanh bắt đầu vào tháng 7/1686, có hơn 800 đàn ông và một số lượng phụ nữ cùng trẻ em chưa xác định ở Albazin. Nhưng tới tháng 11, số đàn ông ở Albazin chỉ còn hơn 100 người. Những người trong pháo đài có đủ ngũ cốc nhưng thứ họ thiếu là thực phẩm tươi sống. Nhiều người trong pháo đài chết vì thiếu chất và bệnh tật. Quân Thanh cũng có tổn thất nhưng ít hơn. 

Dù thiệt hại nặng hơn, nhưng người Nga ở Albazin bằng một cách nào đó vẫn kiên trì bám trụ, chưa chịu khuất phục. Nicolaas Witsen, một người Hà Lan chuyên lập các bản đồ thời đó, cho hay: “Chỉ với 12 người khỏe mạnh, chuyên gia quân sự người Phổ Afanasii Ivanovich Beiton – người chịu trách nhiệm xây dựng công sự cho pháo đài Albazin – vẫn có thể lừa được quân Thanh. Beiton lệnh cho những người này liên tục bắn bắn phá về phía đối phương để quân Thanh nghĩ rằng trong pháo đài vẫn còn rất nhiều người”.

Thực tế, người Nga chấp nhận thất bại ở lần vây hãm thứ 2 này do mệnh lệnh từ Moscow, theo Tonio Andrade, tác giả cuốn “The Gunpowder Age: China, Military Innovation, and the Rise of the West in World History” – tạm dịch: Thời đại thuốc súng: Trung Quốc, cải cách quân sự và sự trỗi dậy của phương Tây trong lịch sử thế giới”. 

Tháng 10/1686, một đoàn sứ thần Nga đã tới Bắc Kinh để bày tỏ thiện chí và nói rằng Moscow muốn kết thúc mọi việc trong hòa bình. Hoàng đế Khang Hy đã cử một sứ giả đến Albazin vào tháng 12/1686 – ngay trước khi Langtan thực hiện một trận đánh lớn. 

Sứ giả đem theo chỉ dụ của Khang Hy tới trại của Langtan. Nội dung chính của chỉ dụ là quân Thanh sẽ chấm dứt bao vây Albazin. Thậm chí, để thể hiện thiện chí, Khang Hy còn lệnh cho tướng lĩnh cung cấp thực phẩm và thuốc men cho người Nga ở Albazin. 

Các sách sử hai bên cũng ghi nhận khác nhau về việc này. Theo các tài liệu châu Âu, người Nga đã từ chối nhận lương thực từ quân Thanh. Trong khi đó, các tư liệu Trung Quốc cho biết, chính Beiton yêu cầu nhà Thanh hỗ trợ lương thực, thuốc men. 

Albazin sau đó được Nga nhượng cho nhà Thanh trong Hiệp ước Nerchinsk năm 1689. Đổi lại, Nga nhận được đặc quyền thương mại ở Bắc Kinh và quyền giữ thành phố Nerchinsk, nơi từng là điểm giao thương quan trọng giữa Nga và Trung Quốc. Theo Witsen, Albazin không chính thức đầu hàng, nên nói đúng ra, cuộc vây hãm Albazin không được xem là một thắng lợi với người Trung Quốc.

Xem lại :Hoàng đế Khang Hy 2 lần tấn công pháo đài Albazi n của Nga – P1

Leave A Reply

Your email address will not be published.