Phan Thanh Giản dưới mắt nhìn của người Pháp – P3

0 74

Phan Thanh Giản do ký kết hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 chấp nhận mất 3 tỉnh miền Nam và chấp thuận giải tán các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nên bị nhiều sử sách cho là bán nước

Thật vậy, lương tri thông thường nhất chỉ cho thấy là không cần thiết dị trang mọi công chức của ta thành quan lại Trung hoa, sau khi đã tốn công tốn của dậy cho họ cái học vấn nghèo nàn của các sĩ phu thiên quốc, tất cả những điều đó để mà cai trị các dân chúng đã được đặt dưới sự đô hộ của ta. Vả lại, những lời cuối mà Hoàng đế nói để trả lời bài diễn văn đọc bởi vị chánh sứ rất là cứng rắn trong bản dịch của nó.

Các sứ giả An-na-mít, đã phải đợi trong lo âu đến hơn một tháng, ngày vào yết kiến Hoàng đế, khi trở ra kinh ngạc rụng rời vì câu nói mà ý chung cho mọi tình trạng có thể áp dụng cho trường hợp của họ. Họ tưởng rằng mục đích của họ đã hỏng. Ngày hôm sau, họ được cáo tri là sự phúc đáp cho sứ mệnh của họ sẽ được gửi tới Huế trong hạn một năm. Và, cùng một lúc, họ được mời phát biểu các đề nghị của họ về các sự thông thương giữa hai quốc gia. Kể từ khi ấy, mặt mày các sứ giả bắt đầu hớn hở hẳn ra. Họ hiểu rằng họ có thể rời nước Pháp với một vài hi vọng thành công…

III. MỘT CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA PHAN THANH GIẢN VÀ TRUNG TÁ ANSART

Được cử làm thống-đốc Nam kỳ kể từ ngày I tháng 5 năm I863, thượng tướng de La Grandière cho rằng cần phải sáp nhập nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, để bảo đảm sự an ninh cho ba tỉnh thuộc địa Pháp. Ngay từ năm I866, ông quyết định bắt triều đình Huế phải chấp nhận sự chuẩn nhượng các tỉnh Vĩnh long, An Giang và Hà Tiên cho Pháp. Hình như triều đình Huế thấy rõ tình trạng yếu ớt của mình và không còn hi vọng chống cự lại nổi các sự đòi hỏi đó : thái độ này được biểu lộ trong cuộc đàm thoại giữa quan kinh lược Phan Thanh Giản và trung tá hải quân Auguste Ansart, tư lệnh tỉnh Mỹ Tho, và sau này sẽ là tư lệnh tỉnh Vĩnh Long, trong những năm I867-I868.

Mỹ-tho, I8-II-I866.
Kính thưa Thượng tướng,

Tôi trân trọng trình lại Thượng tướng cuộc đàm thoại của tôi với Phan Thanh Giản ngày I6 tháng này, khi ông ta dừng lại ở Mỹ Tho, trên đường từ Sài Gòn về Vĩnh Long.

Vào khoảng 4 giờ chiều, tôi dẫn Phan Thanh Giản vào trong cái đình trong vườn ; ở đấy, sau khi đã cho tất cả đoàn tuỳ tùng của ông lui ra, chính ông đã mở đầu câu chuyện qua trung gian của Cha Marc, và đã hỏi tôi câu này : « Khi nào các ông sẽ chiếm ba tỉnh đấy ? » Tôi trả lời ông rằng tôi hoàn toàn không biết gì về điều này, nhưng trước khi đi sâu vào câu chuyện, tôi phải nhắc lại với ông là tôi không có một tư cách chính thức nào để bàn về các vấn đề tương tự, và nếu tôi nhận đàm thoại về vấn đề ấy, ông chỉ được coi những lời nói của tôi như là sự phát biểu những ý kiến riêng tư, không thể dưới bất cứ một hình thức nào ràng buộc chính phủ Pháp được.

Ông trả lời tôi rằng ông muốn nói chuyện với tôi như là một người bạn và, tiếp tục cuộc đàm thoại, hỏi tôi tại sao chúng ta lại muốn chiếm ba tỉnh :

” Các tỉnh này không phụ thuộc các ông sao, ông nói, và các quan lại không cố gắng thoả mãn tất cả mọi yêu sách của quan thống đốc sao ? Tất cả các sản phẩm của các tỉnh ấy không qua tay các ông sao ? Các ông không kiểm tra lối ra vào các tỉnh ấy sao ? Các ông hẳn không áp dụng ở đấy một quyền hành thật ra gần như tối cao, mà phái quá khích trách cứ chúng tôi ở triều đình, gọi chúng tôi là nô lệ của người Pháp ? “

Tôi trả lời ông rằng nếu chính phủ Pháp muốn chiếm hữu ba tỉnh, đấy không phải chỉ để mở rộng thêm lãnh thổ, nhưng vì một nhu yếu chính trị mà chắc ông còn hiểu rõ hơn tôi nữa.

Ông mới đáp lại rằng :

” Chính phủ Pháp sẽ viện một lẽ nào để trang sức sự lạm dụng thế lực ấy, vì chúng tôi sẽ không ngăn cản sự xâm lược bằng một sự kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích ? Chúng tôi đã vi bội hoà ước ký trước đây chăng ? Tất cả mọi điều khoản của hoà ước ấy đã không được chúng tôi thi hành một cách trung thực hay sao ? “

Tôi trả lời Phan Thanh Giản là ông đã quên cuộc nổi loạn năm 1863 mà triều đình Huế đã xui dục đúng vào lúc còn nghị hoà với thượng tướng Bonard. Tôi nhắc lại với ông tất cả các sự phiến động trong các tỉnh của chúng ta, do những mật sứ chắc chắn đã được lệnh vì, nếu không, họ đã không thể nào tìm được nơi dân chúng tiếng vang mà họ đã gặp được. Tôi nhắc lại cho ông những sự toan tính của con trai của Quan Định(Trương Định), của Tien Ho(Thiên Hộ Dương – Võ Duy Dương), tức là hai lãnh tụ đã được họ ngầm giúp đỡ, chứa chấp và che chở ; các đoàn quân của những người này ngày nay vẫn về bè với Poukombo. Ngược dòng lịch sử, tôi hỏi ông triều đình Huế đã tôn trọng như thế nào hiệp ước với Louis XVI, và đã nhìn nhận như thế nào các sự giúp đỡ phi thường của giám mục Bá Đa Lộc và các sĩ quan Pháp tới phụng sự Gia Long. Chính phủ Pháp và trên toàn diện tất cả các chính phủ Âu châu ngày nay thấy rõ là các chính phủ Á đông ít đếm xỉa tới các hiệp ước ký kết với Âu Tây, và chúng ta không còn có thể tin tưởng ở lòng thành của các chính phủ ấy mà không có những bằng chứng rõ ràng và cụ thể.

Phan Thanh Giản trả lời rằng những người An-na-mít ủng hộ Poukombo là những kẻ vô lại của các tỉnh của chúng ta cũng như của các tỉnh thuộc họ, rằng dân An-na-mít đã luôn luôn thắng dân Cao Miên, khinh bỉ dân này quá nhiều để mà nhập bọn với họ, và rằng cũng không nên đi tìm những mối bất bình trong quá khứ lịch sử, rằng những gì đã xảy ra là những việc đã qua, rằng những lầm lỗi trước kia của chính phủ An-na-mít là do sự không hiểu biết giá trị và trí thức của người Âu, nhưng ngày nay hai dân tộc đã rõ nhau, thì dân tộc hùng mạnh phải giúp đỡ và soi sáng cho dân tộc yếu, để đưa dân tộc này vào các con đường của văn minh.

Hiệp ước ký kết giữa Hoàng đế Pháp và vua Tự Đức không những là một hiệp ước hoà bình, nhưng còn là một hiệp ước giao hữu, xoá bỏ tất cả dĩ vãng, và trở lại các lý lẽ trước của ông, Phan Thanh Giản nói với tôi rằng « người An-na-mít đã không làm một điều gì để vi ước, nhưng người Pháp về phía họ đã không có một cố gắng nào để truyền bá cho người An-na-mít các khoa học Âu Tây ; tuy rằng có hiệp ước giao hữu ấy, họ để mặc dân An-na-mít ở trong vòng vị khai và dốt nát, và lại còn lăm le vô cớ chiếm ba tỉnh tội nghiệp nữa ».

Xem lại : Phan Thanh Giản dưới mắt nhìn của người Pháp – P2

Xem tiếp : Phan Thanh Giản dưới mắt nhìn của người Pháp – P4

Leave A Reply

Your email address will not be published.